Bệnh viện Nhi Trung ương vừa cấp cứu hai trường hợp bệnh nhi đến từ Hà Nội và Thanh Hóa do biến chứng của hội chứng thận hư.

Bệnh nhi thứ nhất 6 tuổi, ở Hà Nội, nhập viện trong tình trạng phù nề ở vùng chân và mặt, có nguy cơ quá tải dịch. Theo lời người nhà, 2 tháng trước bé có biểu hiện sưng phù mắt, tay, chân nhưng gia đình không cho trẻ đi khám bệnh mà tự ý điều trị bằng thuốc nam và châm cứu theo phương pháp dân gian. Sau một thời gian tự điều trị, bệnh tình của trẻ không thuyên giảm mà ngày một nặng hơn, trẻ mệt mỏi, tiểu ít và tăng cân nhanh bất thường trong thời gian ngắn (tăng đến 6-7kg – tức khoảng 20% cân nặng).

Tương tự, bệnh nhi thứ hai 15 tuổi, ở Thanh Hóa được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch do suy hô hấp, suy thận mạn. Khai thác bệnh sử cho thấy từ đầu năm 2022, gia đình phát hiện chân trẻ bị phù nên có cho trẻ đi khám tại 2 bệnh viện ở Hà Nội và được chẩn đoán là mắc hội chứng thận hư.

Trở về Thanh Hóa điều trị nhưng do nóng vội khi thấy kết quả chưa được như mong muốn, gia đình bệnh nhi đã bỏ phác đồ điều trị của bác sĩ mà tự ý chuyển sang dùng cả thuốc Nam và thuốc Bắc. Sau 2 tháng tự điều trị, sức khỏe của trẻ ngày một yếu đi, chân phù nặng hơn, cơ thể mệt mỏi. Ngày 4/12, bệnh nhi suy hô hấp, tăng huyết áp phải thở oxy để chuyển gấp đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Ngay sau khi tiếp nhận, hai bệnh nhi đã được được chuyển đến điều trị tại Khoa Thận và Lọc máu. Tại đây các bác sĩ đã tiến hành điều trị theo phác đồ của hội chứng thận hư. Bệnh nhi từ Thanh Hóa được chạy thận cấp ngay trong đêm để đảm bảo tính mạng cho trẻ.

photo-1671895835000

Bệnh nhi mắc chứng thận hư được điều trị tại BV Nhi Trung ương.

Hội chứng thận hư là gì?

Theo BS. Nguyễn Thu Hương, Khoa Thận và lọc máu – Bệnh viện Nhi Trung ương, hội chứng thận hư là một bệnh lý ở thận gây ra bài tiết một lượng lớn protein trong nước tiểu, dẫn đến protein trong máu thấp. Thông thường, protein ngăn không cho nước thấm qua thành mạch vào các mô. Trong hội chứng thận hư, lượng protein trong máu thấp cho phép nước thấm vào các mô, khiến các tế bào biểu mô bị sưng phồng, hiện tượng sưng này được gọi là "phù".

Biểu hiện đặc trưng của hội chứng thận hư là tình trạng phù: Đầu tiên xuất hiện ở mi mắt, mặt rồi lan đến toàn thân, gây nên tràn dịch màng phổi, màng bụng, và tràn dịch tinh hoàn, Ngoài ra, trẻ có thể kèm theo:

  • Tiểu ít, nước tiểu đục có nhiều bọt
  • Tiểu ra máu
  • Tăng huyết áp, tăng cân nhanh
  • Ho, khó thở, đau bụng, sốt

Nguyên nhân gây hội chứng thận hư

Cũng theo BS. Nguyễn Thu Hương, thể hội chứng thận hư thường gặp nhất là hội chứng thận hư đáp ứng với steroid. Nguyên nhân của thể này vẫn chưa được tìm hiểu rõ ràng. Đúng như tên gọi, thể này đáp ứng tốt với các loại steroid (chẳng hạn như prednisolon).

Hội chứng thận hư hay gặp nhất là ở trẻ 2-3 tuổi, nhưng mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh này. Nhiều trẻ bị thận hư cũng có thể bị mắc các tình trạng bệnh khác có nguyên nhân là dị ứng (như hen, chàm, cảm mạc), nhưng người ta chưa xác định được yếu tố dị ứng đặc biệt nào gắn với các trẻ mắc hội chứng thận hư.

Hội chứng thận hư còn có nhiều thể khác nữa, thường được xếp vào nhóm có tên là hội chứng thận hư kháng steroid. Những trường hợp này cần điều trị khác nhau và có tiến triển khác nhau.

photo-1671895837852

Biểu hiện đặc trưng của hội chứng thận hư là tình trạng phù.

Điều trị hội chứng thận hư

Nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, 80% trẻ thận hư có thể hồi phục hoàn toàn. Phác đồ điều trị bệnh thận hư cần được tuân thủ từ 3-6 tháng mới đem lại hiệu quả.

Một số thuốc chủ yếu dùng trong hội chứng thận hư gồm:

– Một loại thuốc steroid có tên prednisolone được dùng để điều trị cho những trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng thận hư. Trong 90% các trường hợp, thuốc này giúp đẩy lui bệnh hoàn toàn. Những trẻ này thuộc nhóm hội chứng thận hư đáp ứng với setroid.

– Để đẩy lui bệnh, cần dùng một liều Prednisolone khá cao mỗi ngày trong vòng vài tuần. Những liều cao này thường được dung nạp tốt và không có tác dụng phụ.

– Dùng que thử bằng nhựa để kiểm tra lượng protein trong nước tiểu của trẻ hàng ngày vào buổi sáng. Que thử sẽ nguyên màu vàng nếu không có protein trong nước tiểu, hay chuyển sang các màu xanh lá cây khác nhau, tùy thuộc vào lượng protein có trong nước tiểu. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên xem nên cho trẻ uống bao nhiêu.

Nếu bị phù to, trẻ có thể cần truyền albumin để thay thế tạm thời albumin trong máu. Albumin không làm ngưng protein trong nước tiểu, nhưng có thể giúp giảm phù phần nào. Trẻ có thể cần được truyền albumin liên tục cho đến khi bệnh thuyên giảm.

Khi trẻ bị phù, nên tránh ăn các thức ăn mặn.

Theo suckhoedoisong.vn