leftcenterrightdel
 Thời tiết nóng có thể dẫn đến nhiều cơn đột quỵ gây tử vong hoặc tàn tật, và có thể ảnh hưởng đến chứng động kinh, khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn do thiếu ngủ.

Hôm 15/5, một nghiên cứu ở Anh vừa được công bố bởi các nhà khoa học của Đại học College London (UCL) phân tích tài liệu khoa học thần kinh để tiết lộ mức độ ảnh hưởng của các thảm họa do nhiệt độ cực cao và biến đổi khí hậu gây ra đối với các bệnh thần kinh quan trọng và rối loạn sức khỏe tâm thần.

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện rằng các yếu tố môi trường không chỉ ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc bệnh, mà còn có thể làm tăng nguy cơ nhập viện, tàn tật, thậm chí tử vong, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm và hô hấp.

Nhưng nó cũng gây tổn hại đến sức khỏe thần kinh, với quá trình điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể dường như là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng các tình trạng do nhiệt độ cực cao gây ra.

Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã xem xét 332 báo cáo về tác động của môi trường đối với 19 tình trạng thần kinh có gánh nặng bệnh tật cao nhất, bao gồm bệnh Alzheimer và các dạng bệnh mất trí nhớ, đau nửa đầu, đột quỵ, bệnh đa xơ cứng và viêm màng não.

Họ cũng thu thập nghiên cứu về trầm cảm, lo âu và tâm thần phân liệt, vì các rối loạn tâm thần thường có bệnh đi kèm với các bệnh về thần kinh.

Các phát hiện cho thấy thời tiết tác động đến từng căn bệnh theo những cách khác nhau, nhưng hầu hết các tình trạng bệnh đều có liên quan rộng rãi đến tỷ lệ lưu hành cao hơn và các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.

Giáo sư Sanjay Sisodiya từ Viện Thần kinh học UCL Queen Square, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: “Để hoạt động bình thường, não phải được duy trì trong phạm vi nhiệt độ tương đối hẹp. Nếu não có bệnh thì khả năng điều nhiệt của não sẽ bị tổn hại. Đưa một người mắc bệnh thần kinh và đặt họ vào một đợt nắng nóng bất thường, có thể khiến bệnh thần kinh của họ trở nên tồi tệ hơn”.

Theo các nhà khoa học, thời tiết nóng hơn cũng có khả năng dẫn đến nhiều cơn đột quỵ gây tử vong hoặc tàn tật hơn, và có thể ảnh hưởng đến chứng động kinh, khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng do thiếu ngủ.

Nhiệt độ ban đêm cao là dấu hiệu đặc trưng của biến đổi khí hậu và có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nghiên cứu cũng cho thấy thời tiết quá lạnh cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

“Điều khiến tôi sợ nhất về kịch bản này là đến năm 2050, chúng ta không chỉ chứng kiến sự bùng nổ số người mắc chứng rối loạn thần kinh, mà còn xảy ra ở độ tuổi 40 và 50, thay vì 70 và 80, vì não của chúng ta bị tấn công bởi các căng thẳng khác nhau như nhiệt độ, ô nhiễm và vi nhựa” - Tiến sĩ Ikiz - người sáng lập và chủ tịch của Nhóm công tác về khí hậu thần kinh quốc tế - cho biết.

Giáo sư Sisodiya và Tiến sĩ Ikiz kêu gọi nghiên cứu thêm và can thiệp chính sách để giảm thiểu thiệt hại kinh tế mà biến đổi khí hậu sẽ gây ra cho các cá nhân và hệ thống y tế công cộng, đặc biệt là ở các nước nghèo.

“Chúng ta nên ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch, ngừng thải khí thải vào không khí. Ngoài ra, cũng có các cảnh báo thời tiết mang tính thông tin để mọi người hành động theo, và biết thực hiện các biện pháp phòng tránh đơn giản như tránh ánh nắng mặt trời trong những giờ phơi nhiễm cao điểm, đóng cửa sổ, sử dụng những thứ để giữ mát, cung cấp nước và thuốc đầy đủ” - Giáo sư Sisodiya nói.

Theo phụ nữ TPHCM