leftcenterrightdel
 Ảnh chụp 2 viên sỏi thận hình thành từ acid uric trong nước tiểu, dài khoảng 3cm - Ảnh: Getty Images

Chỉ trong vòng 3 thập niên trước, sỏi thận từ chỗ là căn bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến đàn ông da trắng trung niên, giờ xuất hiện ngày càng nhiều ở trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là vào mùa hè, theo bản tin của Fox News, dẫn thông tin từ các chuyên gia y tế ở bang Philadelphia, Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Gregory Tasian, bác sĩ tiết niệu nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng bang Philadelphia, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu về mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và bệnh sỏi thận ở người trẻ, cho biết rằng số ca mắc sỏi thận hàng năm ở Mỹ đã tăng 16% từ năm 1997 đến năm 2012.

Kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia đã được công bố trên Tạp chí lâm sàng của Hiệp hội Thận học Hoa Kỳ. Theo đó, số ca mắc mới bệnh sỏi thận gia tăng nhiều nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên từ 15 đến 19 tuổi. Tỷ lệ mắc sỏi thận ở nữ giới trong độ tuổi này cao hơn 52%, còn tỉ lệ nam giới dễ mắc bệnh cao hơn từ ngưỡng tuổi 25 trở đi.

Nghiên cứu còn chỉ ra, các ca sỏi thận ở trẻ em đã tăng gấp đôi từ năm 1997 đến năm 2012, trẻ em và người lớn da màu bị sỏi thận với tỉ lệ cao hơn so với các bạn da trắng cùng trang lứa.

Chứng sỏi thận xảy ra khi nước tiểu người bệnh trở nên quá cô đặc và các khoáng chất như muối canxi và axit uric trong nước tiểu kết tinh, từ đó hình thành sỏi, có thể mắc kẹt trong đường tiết niệu và gây đau đớn cho bệnh nhân.

Tiến sĩ Tasian cho biết: “Nhóm nghiên cứu của tôi đã tập trung vào mối quan hệ giữa nhiệt độ môi trường và diễn biến của bệnh sỏi thận trong một thập niên”.

Nhóm chuyên gia chưa xác định chính xác yếu tố cụ thể nào của môi trường đang thúc đẩy sự gia tăng bệnh sỏi thận ở giới trẻ. Họ nhận định rằng quá trình biến đổi khí hậu, cùng sự thay đổi chế độ ăn uống, với thực phẩm chế biến sẵn và việc sử dụng kháng sinh ngày càng nhiều ở trẻ em, dẫn đến tình trạng thiếu nước phổ biến hơn trước.

Theo đó, trời càng nóng và ẩm, con người càng ra nhiều mồ hôi và ít đi tiểu, tạo điều kiện cho các khoáng chất kết tủa trong thận và đường tiết niệu. Trẻ em lại càng dễ bị tổn thương bởi thời tiết nóng.

Ông Tasian cho biết: “Những ngày nắng nóng làm tăng tần suất xuất hiện các biến chứng sỏi thận”. Theo đó, thời tiết cực đoan còn dễ dẫn tới “nhiệt bầu ướt”, hiện tượng xảy ra khi trời nắng nóng cùng với độ ẩm cao, việc tiết mồ hôi không làm mát được cơ thể.

Bác sĩ Tasian nhận định: “Mặc dù biến đổi khí hậu không phải là nguyên nhân góp phần đáng kể vào sự gia tăng sỏi thận ở trẻ em và người lớn trong 20 năm qua, nhưng vẫn có khả năng biến đổi khí hậu sẽ làm tăng số người bị sỏi thận trong tương lai”.

Theo vị chuyên gia, sỏi thận ở người lớn thường liên quan đến các bệnh như béo phì, cao huyết áp và tiểu đường, nhưng điều đó không đúng với trẻ em, có những đứa trẻ bị sỏi thận nhưng vẫn khỏe mạnh, hiện tượng góp phần củng cố nhận định rằng việc Trái đất ấm lên có tác động tới bệnh sỏi thận ở người trẻ.

Bác sĩ Tasian kết luận: “Rõ ràng có điều gì đó đã thay đổi trong môi trường của chúng ta, dẫn tới sự thay đổi nhanh chóng này”.

Một nghiên cứu độc lập khác ở Hạt Olmsted, bang Minnesota, cũng chứng minh điều tương tự. Theo nghiên cứu này, tỉ lệ mắc bệnh sỏi thận ở trẻ em từ 12-17 tuổi đã tăng đều đặn 6% mỗi năm từ năm 1984 đến năm 2008.

Bác sĩ Christina Carpenter, trưởng khoa tiết niệu nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Morgan Stanley, thuộc Bệnh viện New York-Presbyterian, cũng chia sẻ rằng bà đã điều trị cho nhiều trẻ em bị sỏi thận hơn khi thời tiết bước vào mùa hè nóng ẩm.

Theo phụ nữ TPHCM