Nhiệt độ toàn cầu cao hơn có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh truyền qua thực phẩm như Salmonella, E. coli và Listeria. Kết quả một nghiên cứu năm 2019 công bố trên tạp chí Environmental Health Perspectives (Mỹ) cho thấy sự tương quan đáng kể giữa nhiệt độ tăng và sự gia tăng các bệnh ở con người có nguyên nhân liên quan đến thực phẩm. Khí hậu ấm hơn giúp vi khuẩn phát triển trong thực phẩm, đặc biệt là những sản phẩm cần bảo quản lạnh, dẫn đến hư hỏng thực phẩm và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

leftcenterrightdel
Chất thải thực phẩm được phân loại ở Los Angeles, Mỹ - Nguồn ảnh: Pasadena Star-News 

Biến đổi khí hậu cũng có thể làm ô nhiễm cây lương thực, thông qua các mầm bệnh hoặc chất ô nhiễm trong nước. Một báo cáo năm 2018 của Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO) nhấn mạnh: lũ lụt có thể lây truyền mầm bệnh từ chất thải động vật sang đất trồng trọt, làm tăng nguy cơ ô nhiễm. Tương tự, hạn hán có thể khiến đất mất đi độ màu mỡ, dẫn đến việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu quá mức, làm ô nhiễm thực phẩm. Nghiên cứu năm 2020 đăng trên tạp chí Global Change Biology cho thấy, lượng mưa thất thường có thể đẩy nồng độ độc tố nấm mốc lên cao hơn trong các loại ngũ cốc như bắp và lúa mì.

Mực nước biển dâng cao và nhiệt độ đại dương còn có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của hải sản. Những chất độc do tảo tiết ra có thể tích tụ trong hải sản. Nước biển dâng cũng gây xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến chất lượng nước tưới cho cây trồng.

Đáng lưu ý, chính thực phẩm của con người là nguồn rác thải hàng đầu tạo ra lượng khí nhà kính khổng lồ, góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu. Chất thải thực phẩm tại các bãi chôn lấp tạo ra khí methane. Trong vòng 20 năm sau khi nó được thải vào khí quyển, loại khí nhà kính này có khả năng thúc đẩy quá trình nóng lên toàn cầu nhiều hơn gấp 80 lần so với carbon dioxide.

Khí methane cũng gây hại cho con người và hệ sinh thái khi gây ô nhiễm tầng ozone, dẫn đến khoảng 1 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn cầu, làm giảm năng suất cây trồng và gây hại cho môi trường sống tự nhiên. Vì vậy, con người cần giảm thiểu tiêu dùng thực phẩm, tận dụng thực phẩm thừa bằng cách ủ phân thay vì vận chuyển đến bãi chôn lấp hay lò đốt rác.

Theo phụ nữ TPHCM