1. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng khàn tiếng?
Khàn tiếng, mất tiếng là biểu hiện thường gặp do viêm thanh quản cấp. TS.BS. Phạm Thị Bích Thủy, Bệnh viện Tai- Mũi- Họng Trung ương cho biết, viêm thanh quản cấp tính ở người lớn là tình trạng viêm xuất tiết niêm mạc thanh quản, thường gặp vào mùa lạnh hoặc khi thời tiết thay đổi thất thường. Biểu hiện khi nhiễm bệnh là mệt mỏi, gai rét, ớn lạnh, giọng nói khàn hoặc mất tiếng hoàn toàn.
Ngoài ra, khàn tiếng cũng có thể do la hét khi cỗ vũ một môn thể thao yêu thích hoặc do tiếp xúc với ô nhiễm môi trường và khói bụi.
Khàn tiếng không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt đối với một số nghề phải sử dụng giọng nói nhiều như giáo viên, ca sĩ...
2. Một số biện pháp hiệu quả cho khàn tiếng
2.1 Hạn chế nói chuyện
Tình trạng kích ứng và viêm nhiễm cần thời gian để chữa khỏi, do đó việc tránh nói chuyện sẽ giúp dây thanh có cơ hội hồi phục nhanh hơn.
Hạn chế nói chuyện và không nói thầm giúp thanh quản được nghỉ ngơi, nhanh chóng hết khàn tiếng.
2.2 Đừng thì thầm
Có thể bạn ngạc nhiên khi biết rằng thì thầm có thể làm cho tình trạng viêm thanh quản trở nên trầm trọng hơn, chính vì vậy bạn nên tránh làm điều đó khi giọng bị khàn.
Nguyên nhân do khi bạn thì thầm, dây thanh quản bị kéo căng và không thể rung, điều này gây thêm căng thẳng bộ phận này. Thay vì thì thầm, hãy sử dụng giọng nói tự nhiên với âm lượng nhỏ.
2.3 Uống nước ấm
Viêm thanh quản cấp thường do nhiễm virus, vì vậy nghỉ ngơi và uống nhiều nước sẽ giúp bạn mau lành nhất có thể.
Các loại nước ấm như trà, nước dùng hoặc súp có thể làm dịu cổ họng bị kích thích, giúp giữ ẩm cho đường hô hấp và làm loãng chất nhầy.
Bên cạnh đó, khi bị khàn tiếng, người bệnh cần tránh đồ uống có chứa caffein như cà phê và trà đen, vì chúng có thể dẫn đến mất nước. Nếu không thể bỏ qua cà phê buổi sáng, bạn nên uống thêm nước hoặc trà thảo mộc.
2.4 Súc miệng với nước muối
Nước muối ấm có thể giúp điều trị viêm thanh quản cấp bằng cách giữ ẩm cho cổ họng và tiêu diệt vi khuẩn. Bạn nên thực hiện 3-5 lần mỗi ngày cho đến khi giọng nói trở lại.
2.5 Tắm nước nóng
Hít hơi nước ấm bằng cách tắm nước nóng hoặc tắm nhiều lần trong ngày có thể giúp giảm khàn giọng và làm sạch các chất tiết dính gây ra các triệu chứng viêm thanh quản ở dây thanh.
Ngoài ra, để giọng nói nhanh trở lại bình thường, người bệnh nên tránh hút thuốc, uống rượu do đây là những chất kích thích có thể làm chậm quá trình lành vết thương và làm trầm trọng thêm biểu hiện khàn tiếng
2.6 Hỗ trợ hồi phục giọng nói bằng thảo dược
Xông hơi bạch đàn
Bạch đàn hay còn gọi là khuynh diệp là một dược liệu quý. Xông hơi tại nhà với dầu khuynh diệp có thể giúp giảm viêm thanh quản, cũng như các triệu chứng cảm lạnh và cúm, viêm xoang và nhiễm trùng cổ họng, hỗ trợ đẩy lùi nhanh khàn tiếng.
Trà và viên ngậm cam thảo
Cam thảo được tìm thấy trong nhiều sản phẩm tự nhiên giúp giảm kích ứng cổ họng, khàn tiếng. Cam thảo có nhiều trong trà và viên ngậm.
Lưu ý: Do cam thảo có chứa axit glycyrrhizic hoặc glycyrrhizin nên nếu dùng với một lượng lớn có thể gây ra huyết áp cao.
Trà cây du trơn
Trà cây du trơn được làm từ rễ và vỏ thân khô của cây. Du trơn là thảo dược chứa chất nhầy, một chất giống như gel, có tác dụng làm dịu các mô bị kích thích hoặc bị viêm.
Trong Đông y và cả y học Ấn Độ thường dùng trà cây du trơn để điều trị các bệnh lý ở đường hô hấp trên bao gồm viêm thanh quản, khàn tiếng.
Theo suckhoedoisong.vn