1. Phòng chất gây dị ứng, ngừa ngứa mắt
Chất gây dị ứng trong nhà: Khi ở nhà, những mẹo giảm chất gây dị ứng này có thể giúp kiểm soát và phòng ngừa tình trạng ngứa mắt:
- Thường xuyên hút bụi để giảm lượng bụi trong nhà.
- Cố gắng không để vật nuôi vào phòng ngủ hoặc trên đồ nội thất.
- Thay thảm bằng sàn gỗ cứng, gạch hoặc vải sơn…
- Sử dụng vỏ bọc giường "chống mạt" và giặt hàng tuần.
- Để hạn chế tiếp xúc với nấm mốc, hãy giữ độ ẩm trong nhà ở mức từ 35% -50%.
Dị ứng là một nguyên nhân phổ biến gây ngứa mắt.
Chất gây dị ứng ngoài trời: Trong nhiều trường hợp, không thể tránh được các chất gây dị ứng ngoài trời, nhưng vẫn có thể thực hiện một số bước để kiểm soát các triệu chứng của dị ứng mắt như:
- Hãy ở trong nhà càng nhiều càng tốt trong thời gian có lượng phấn hoa đạt mức cao nhất, thường là vào buổi sáng hoặc khi trời có gió và ấm.
- Đóng chặt cửa sổ.
- Sử dụng bộ lọc lưới cửa sổ để giúp lọc các chất gây dị ứng.
- Thay quần áo và tắm rửa sau các hoạt động ngoài trời, chẳng hạn như đi bộ đường dài hoặc chơi thể thao...
2. Chườm lạnh giúp giảm ngứa mắt
Chườm lạnh có thể giúp giảm ngứa mắt. Đặt một chiếc khăn mặt ẩm, lạnh lên mắt (trong khi nhắm mắt).
Chườm lạnh giúp giảm lưu lượng máu và sưng tấy ở khu vực bị ảnh hưởng có thể làm giảm một số khó chịu mà bạn đang gặp phải.
3. Tắm trước khi đi ngủ
Mí mắt, lông mi, lông mày và tóc có thể bắt bụi, phấn hoa… trong suốt cả ngày. Bằng cách tắm trước khi đi ngủ, có thể hỗ trợ làm sạch các bộ phận này, giảm ngứa mắt, giúp mắt được nghỉ ngơi, thư giãn.
Giảm thiểu tối đa việc tiếp xúc với các chất gây dị ứng sẽ giúp giảm các triệu chứng mà bạn gặp phải.
4. Thay ga, gối thường xuyên hơn
Thay ga, gối thường xuyên có thể làm giảm sự tiếp xúc của bạn với rất nhiều chất gây dị ứng như bụi, phấn hoa, nấm mốc và lông thú cưng… tích tụ theo thời gian, có thể làm giảm và ngăn ngừa ngứa mắt.
Thay quần áo khi bạn về nhà sau khi ra ngoài và giặt chúng thường xuyên cũng có tác dụng phòng ngừa tương tự.
5. Sử dụng máy lọc không khí
Sử dụng máy lọc không khí trong nhà không chỉ kiểm soát chất gây dị ứng mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng có thể cải thiện các tình trạng như hen suyễn, cũng như cải thiện huyết áp, nhịp tim và chức năng phổi… ở những người bệnh này.
Chườm một chiếc khăn mặt ẩm, lạnh lên mắt có thể giúp giảm ngứa mắt.
6. Tránh dụi mắt ngứa
Chạm tay vào mắt có thể khiến nhiều phấn hoa, bụi bặm trên tay và quần áo của bạn tiếp xúc trực tiếp với mắt, cùng với các vi khuẩn khác, có thể dẫn đến nhiễm trùng. Ngoài ra, dụi mắt có thể làm xước giác mạc, dẫn đến đau dữ dội và các vấn đề khác.
7. Khi nào nên đi khám?
Các triệu chứng ngứa mắt thường không cần chăm sóc y tế. Nhiều người bị dị ứng nhẹ có thể tự kiểm soát các triệu chứng của mình bằng cách tránh các chất gây dị ứng hoặc sử dụng thuốc OTC.
Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc đi khám và điều trị càng sớm càng tốt nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Ngứa dữ dội.
- Thay đổi thị lực, nhìn đôi, có vẩn trước mặt…
- Đột nhiên nhạy cảm với ánh sáng.
- Đau mắt.
- Bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào nếu bạn đeo kính áp tròng…
Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn, cần được chăm sóc y tế kịp thời.
Theo suckhoedoisong.vn