1. Rối loạn tiền đình là bệnh gì?
Rối loạn tiền đình (vestibular disorders) là tình trạng bệnh gây mất thăng bằng tư thế do tổn thương liên quan đến hệ thống tiền đình.
Hệ tiền đình gồm những bộ phận nằm ở tai trong và não có chức năng giữ thăng bằng, duy trì tư thế, dáng bộ, đảm bảo phối hợp cử động giữa toàn thân, mắt và đầu. Bởi vậy, bất cứ một tổn thương nào tại hệ thống này đều có thể làm xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiền đình, điển hình là chóng mặt, mất thăng bằng.
Các triệu chứng của rối loạn chức năng tiền đình thường lặp đi lặp lại, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người bệnh.
2. Vì sao bị rối loạn tiền đình?
Nguyên nhân nào gây rối loạn tiền đình? Rối loạn tiền đình không phải là bệnh nguyên phát mà là hậu quả của các bệnh khác. Các nguyên nhân gồm có:
- Do thiếu máu não, điều này dẫn đến việc lượng máu cung cấp cho cơ quan tiền đình bị giảm sút.
- Tổn thương dây thần kinh tiền đình ốc tai (dây số 8): U dây thần kinh số 8, viêm dây thần kinh số 8 do virus.
- Tổn thương tai: Viêm tai trong, tai giữa do vi khuẩn hoặc virus, bệnh Meniere… hoặc nhiễm độc tai do thuốc.
- Bất thường về mạch máu não, u não, sau đột quỵ...
- Do các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tuyến giáp, suy thận mạn…
- Đột quỵ: Rối loạn tiền đình nếu không chữa trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới nguy cơ đột quỵ nhồi máu não.
3. Rối loạn tiền đình có biểu hiện gì?
Triệu chứng của rối loạn tiền đình phụ thuộc vào từng giai đoạn bệnh, tùy từng bệnh nhân sẽ có những dấu hiệu khác nhau.
- Triệu chứng rầm rộ nhất ở rối loạn tiền đình ngoại biên người bệnh dễ bị chóng mặt: có thể là các cơn chóng mặt thoáng qua, mất thăng bằng, choáng váng, không đứng vững, hoa mắt, chóng mặt, ù tai…
- Nếu bệnh nặng có thể dẫn tới tình trạng các cơn chóng mặt kéo dài, giảm thính lực nặng, nôn mửa, giảm nhịp tim, giảm tập trung, vã mồ hôi, đứng khó hoặc dễ bị té ngã…
- Với người mắc rối loạn tiền đình trung ương thường đi đứng khó khăn dáng đi như người say rượu, chóng mặt kèm theo nôn mửa, giảm thính lực, khó phối hợp các động tác…
Nếu tình trạng rối loạn tiền đình nặng có thể dẫn tới tình trạng các cơn chóng mặt kéo dài.
4. Rối loạn tiền đình có nguy hiểm không?
Bệnh rối loạn tiền đình có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm sau:
- Rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu. Những triệu chứng của rối loạn tiền đình kéo dài (chóng mặt, buồn nôn, mất thăng bằng…) sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Điều này khiến bệnh nhân dễ cảm thấy mệt mỏi, buồn chán.
- Chấn thương. Người bệnh dễ bị chấn thương do té ngã khi cơ thể mất thăng bằng, đi đứng gặp khó khăn. Việc té ngã dễ dẫn đến những chấn thương không mong muốn đặc biệt nguy hiểm hơn khi tham gia giao thông, lúc thức dậy vào buổi đêm, khi làm việc ở nơi có độ cao.
5. Có mấy loại rối loạn tiền đình?
Rối loạn tiền đình được chia thành hai loại dựa vào vị trí tổn thương.
Rối loạn tiền đình ngoại biên (thường gặp ở 90-95%)
Do tổn thương bộ phận tiền đình ở tai trong và dây thần kinh số 8. Nguyên nhân thường do viêm hoặc u dây thần kinh số 8, viêm tai giữa, tai trong, bệnh Mernier, hoặc các bệnh chuyển hóa…
Các triệu chứng thường rầm rộ, chủ yếu là chóng mặt, mất thăng bằng. Rối loạn tiền đình ngoại biên ít nguy hiểm đến tính mạng và dễ điều trị.
Rối loạn tiền đình trung ương (khoảng 5-10%)
Do tổn thương nhân tiền đình hoặc đường liên hệ giữa các nhân tiền đình trong thân não, tiểu não. Nguyên nhân thường do nhồi máu não, xuất huyết não, u não hoặc viêm não…
Các triệu chứng không rầm rộ nhưng khó điều trị hơn so với rối loạn tiền đình ngoại biên.
Theo suckhoedoisong.vn