|
|
Đau đớn, chuột rút chân khi đi bộ có thể là biểu hiện của chứng mỡ máu cao. Ảnh minh họa: Shutterstock. |
Lượng chất béo, đặc biệt là cholesterol trong máu cao thường gây ra những tổn hại thầm lặng cho cơ thể và khiến bạn có nguy cơ mắc những căn bệnh nguy hiểm. Đặc biệt, người có mỡ máu cao dễ gặp các vấn đề về lưu thông máu khắp cơ thể, bao gồm cả chân.
Chia sẻ với Hindustan Times, tiến sĩ Aditya S Chowti, chuyên gia tư vấn cấp cao - Nội khoa, Bệnh viện Fortis (Ấn Độ), cho biết một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của tình trạng mỡ máu cao ở chân là tình trạng gọi là đau cách hồi. Tình trạng này xảy ra khi các mạch máu ở chân bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn do sự tích tụ cholesterol và các chất béo khác.
"Điều này dẫn đến kết quả là đau chân hoặc chuột rút có thể xảy ra khi hoạt động thể chất, chẳng hạn đi bộ. Cơn đau này thường cải thiện khi nghỉ ngơi, nhưng có thể đủ nghiêm trọng để hạn chế khả năng tập thể dục hoặc thực hiện các hoạt động khác của một người", tiến sĩ Chowti nói.
Sự tích tụ trong các động mạch ở chân và bàn chân của bạn có thể gây ra một tình trạng gọi là bệnh động mạch ngoại biên (PAD). Đau chân khi tập thể dục là triệu chứng phổ biến của PAD. Các triệu chứng khác bao gồm những thay đổi về thể chất ở chân và bàn chân của bạn, thường gặp nhất là xảy ra ở móng tay và da.
Dấu hiệu phổ biến của PAD là một loại đau cơ được gọi là đau cách hồi, có thể bao gồm đau nhức, chuột rút, tê và mệt mỏi. Cơn đau này xảy ra khi đi bộ hoặc hoạt động thể chất khác. Nó thường xuất hiện ở chân, nhưng cũng có thể xảy ra ở mông, hông, đùi, bắp chân hoặc bàn chân.
Cơn đau thường xảy ra ở các cơ nơi động mạch bị ảnh hưởng do tích tụ cholesterol và chất béo. Trường hợp mắc PAD nghiêm trọng, cơn đau tồn tại dai dẳng ngay cả khi nghỉ ngơi.
Theo bác sĩ Smruti Hindaria, chuyên gia tư vấn phẫu thuật tim tại Phòng khám Ruby Hall, bạn cũng có thể nhận thấy màu sắc da thay đổi. Nó có thể sẫm màu hơn (tăng sắc tố) so với bình thường. Có trường hợp chuyển sang màu hơi xanh (gọi là chứng xanh tím).
Bàn chân của người bệnh cũng có thể mát hoặc lạnh khi chạm vào. Với PAD, bạn có thể nhận thấy móng chân có những thay đổi chậm hơn hoặc trở nên dày hơn, biến dạng hoặc đổi màu (loạn dưỡng móng).
Số lượng cơ giảm hoặc teo cơ có thể là hậu quả của PAD. Lưu lượng máu kém có thể làm hỏng các tế bào, mô và dây thần kinh, có thể hình thành vết thương (loét) trên da, đặc biệt nếu có một vết thương nhỏ. Những vết thương này cũng có thể chậm lành, khó lành và hình thành ở những vùng bị ảnh hưởng bởi PAD.
Theo lifestyle.znews