Khi thấy trẻ có dấu hiệu hoặc các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, cần đưa đến gặp các bác sĩ chuyên khoa. Ảnh: Minh Tâm.

Chị Lan, mẹ bé, cho biết Ben thường tiếp xúc với đồ chơi mà quên rửa tay, sau đó cầm thức ăn cho vào miệng. Bé hay rối loạn tiêu hóa, bác sĩ tư vấn mẹ hướng dẫn con rửa tay thường xuyên với xà phòng, vệ sinh đồ chơi, các vật bé hay tiếp xúc, cầm nắm mỗi ngày. Nhờ những thay đổi này, bé Ben khỏe mạnh, ít bệnh hơn.

Bác sĩ Nguyễn Bạch Huệ, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Quốc tế City, cho biết để phòng bệnh cho trẻ, cả cha mẹ và trẻ phải hình thành thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày. Người chăm trẻ cần chú ý rửa tay trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, thay bỉm, tã... 

Khi bị rối loạn tiêu hóa, trẻ thường đầy hơi, trướng bụng, táo bón, tiêu chảy, lười ăn, kém hấp thu... Rối loạn tiêu hóa dễ dẫn đến hậu quả trẻ bị suy dinh dưỡng, phát triển chậm cả về thể chất và trí não, hệ miễn dịch bị suy giảm. 

Bác sĩ Huệ khuyến cáo khi thấy trẻ có dấu hiệu hoặc các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, cần đưa đến ngay các cơ sở y tế để các bác sĩ chuyên khoa xem xét, chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh cũng như có phương pháp điều trị đúng. Không nên tự ý cho trẻ uống các loại thuốc kháng sinh, thuốc đau bụng hoặc tiêu chảy, táo bón mà không thông qua chỉ định bác sĩ, có thể khiến bệnh tình của bé nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng sức khỏe sau này.

Nên cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong suốt 6 tháng đầu đời để nâng cao hệ miễn dịch. Duy trì chế độ ăn uống khoa học và hợp lý, thực đơn dinh dưỡng cho trẻ cần đa dạng và giàu vitamin. Giữ gìn vệ sinh thân thể cũng như môi trường sinh hoạt xung quanh cho trẻ. Hạn chế dùng kháng sinh khi trẻ ốm, tiêm phòng đầy đủ.

Theo vnexpress