1. Lo con bị thiếu chất vì sợ ăn uống không đáp ứng đủ
Chị Nguyễn Lệ H. ở Cầu Giấy (Hà Nội) có con nhỏ 18 tháng tuổi. Mặc dù cháu vẫn đang được bú mẹ và các bữa ăn hằng ngày đều được mẹ chồng chị chuẩn bị đầy đủ các thực phẩm cần thiết như: thịt, cá, trứng, sữa, dầu, mỡ, rau xanh và các loại hoa quả tươi theo mùa nhưng chị vẫn lo lắng con bị thiếu chất, nhất là canxi vì thấy con có chiều cao và cân nặng chưa bằng các bạn cùng tuổi.
Theo chị H., chị được biết trẻ nhỏ là đối tượng có nhu cầu vi chất dinh dưỡng cao và dễ bị thiếu vi chất dinh dưỡng. Khi thiếu các bé sẽ dễ mắc bệnh, bị còi xương, chậm lớn và kém thông minh. Do đó, mặc dù bé nhà chị không có biểu hiện bất thường gì về sức khỏe chị vẫn mua thêm các loại thuốc bổ, các loại vitamin, canxi… cho bé uống để tăng chiều cao và trí thông minh.
Nghe mọi người mách, chị còn cho bé uống thêm vitamin C, kẽm với mục đích tăng cường sức đề kháng và giúp bé ăn ngon hơn…
Cách làm của chị H. có thực sự tốt không?. Hãy cùng tìm hiểu lời khuyên dưới đây của các chuyên gia dinh dưỡng.
2. Tác hại của thiếu vi chất dinh dưỡng đối với sức khỏe
TS. BS Trần Thị Bích Nga, nguyên Giảng viên chuyên khoa Dinh dưỡng Đại học Y Hà Nội cho biết, vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng nếu thiếu sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe, nhất là phụ nữ và trẻ em. Vì thế thiếu vi chất dinh dưỡng có thể gây nhiều tác hại đối với sức khỏe. Tuy nhiên, muốn bổ sung cần phải đúng cách mới an toàn và hiệu quả.
- Khi thiếu vitamin A trẻ chậm lớn, hay bị mắc các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, viêm đường hô hấp. Lâu dài có thể gây khô loét giác mạc dẫn đến mù lòa.
- Thiếu sắt gây thiếu máu, thường có biểu hiện da xanh, niêm mạc môi, lưỡi, mắt, nhợt nhạt. Trẻ thiếu máu kém hoạt bát, học kém, thiếu tập trung, hay buồn ngủ, dễ mắc bệnh. Phụ nữ có thai bị thiếu máu làm tăng nguy cơ đẻ non, sinh con nhẹ cân và dễ bị băng huyết khi sinh.
- Thiếu kẽm trẻ thường chậm lớn, biếng ăn, giảm sức đề kháng, hay mắc bệnh nhiễm khuẩn, tiêu chảy, suy dinh dưỡng và chậm phát triển chiều cao.
- Thiếu canxi có thể dẫn đến bệnh còi xương ở trẻ nhỏ và loãng xương ở người lớn. Dấu hiệu còi xương là trẻ hay quấy khóc, nôn trớ, ngủ không yên giấc, hay ra mồ hôi trộm, rụng tóc, thóp rộng chậm liền, biến dạng xương, giảm chiều cao...
- Thiếu i-ốt gây ra bướu cổ. Phụ nữ mang thai thiếu i-ốt có thể gây sảy thai, thai chết lưu, đẻ non. Trẻ bị thiếu i-ốt chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, học kém…
3. Cách bổ sung vi chất dinh dưỡng an toàn và hiệu quả
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cách bổ sung vi chất dinh dưỡng chủ động và an toàn nhất chính là thông qua nguồn thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày. Chế độ ăn hàng ngày cần cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm chính (nhóm bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất).
Cần phải sử dụng đa dạng các loại thực phẩm. Ăn phối hợp nhiều loại thức ăn. Chú ý các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng như các thực phẩm giàu vitamin A, B, C, E…; các chất khoáng như sắt, canxi, kẽm, axit folic… Thường xuyên thay đổi món để tạo cảm giác ngon miệng và cung cấp đầy đủ nhu cầu vi dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Đối với phụ nữ trong giai đoạn mang thai cần tăng cường dinh dưỡng hơn bình thường để đảm bảo sức khoẻ bà mẹ và sự phát triển của thai nhi. Cần bổ sung thêm năng lượng, chất đạm, chất béo và thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất.
Đối với trẻ nhỏ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục kéo dài đến khi trẻ được 24 tháng tuổi. Khi trẻ ăn dặm cần ăn đủ các nhóm chất. Khi chế biến cần lưu ý thêm dầu, mỡ để tăng cường hấp thu các loại vitamin như vitamin A, D, E...
TS. BS Trần Thị Bích Nga lưu ý các bậc cha mẹ không tự ý bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ: Để bổ sung vi chất dinh dưỡng hiệu quả, cần cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi uống vitamin A định kỳ một năm 2 lần. Phụ nữ mang thai hoặc trong độ tuổi sinh đẻ uống viên sắt và axit folic theo chỉ định của bác sĩ và uống vitamin A sau khi sinh 1 tháng để phòng chống thiếu hụt vitamin A.
Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ nên theo dõi sự tăng trưởng của trẻ. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu thiếu vi chất dinh dưỡng cần đi khám chuyên khoa dinh dưỡng để bác sĩ khám cụ thể và hướng dẫn cách bổ sung phù hợp. Không tự ý bổ sung vi chất cho trẻ khi không có chỉ định của bác sĩ.
Cụ thể như đối với biện pháp bổ sung canxi qua thực phẩm thì lượng canxi khi ăn vào dư thừa sẽ được bài tiết ra khỏi cơ thể. Nhưng đối với các trường hợp tự ý dùng thuốc canxi liều cao, kéo dài sẽ khiến cơ thể tự giảm hấp thu hoặc khi canxi bổ sung nhiều quá đến mô mềm, đến mạch máu làm ảnh hưởng xấu đến các bệnh lý về mạch. Ngoài ra còn có thể gây sỏi thận, tăng canxi huyết và suy thận, giảm hấp thu các khoáng chất cần thiết khác như sắt, kẽm, magiê và phospho…
Theo suckhoedoiong.vn