Loãng xương và đái tháo đường là hai bệnh có liên quan chặt chẽ với nhau. Thông thường, bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ gãy xương cao do loãng xương. Theo các chuyên gia, dường như việc điều trị đái tháo đường cũng có ảnh hưởng đến nguy cơ này.

Một trong những loại thuốc điều trị đái tháo đường có ảnh hưởng đến nguy cơ gãy xương là canagliflozin. Đây là thuốc ức chế SGLT2, đã được chứng minh là làm chậm sự tiến triển của bệnh thận liên quan đến đái tháo đường và ngày càng được coi là lựa chọn điều trị đầu tay cho những người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao phát triển bệnh thận và tim.

Tuy nhiên, loại thuốc này cũng làm giảm mật độ xương ở xương hông, làm tăng chu chuyển xương, tăng tỷ lệ té ngã và gãy xương. Nguyên nhân thuốc canaglifozine tác động lên xương không rõ ràng nhưng có thể là do thuốc ức chế tái hấp thu glucose ở thận, đồng thời tăng tái hấp thu phosphat, do đó làm tăng nồng độ phosphate huyết thanh có thể là nguyên nhân làm tăng chu chuyển xương.

photo-1657196548548

Bổ sung vitamin D có thể bù đắp sự mất xương do thuốc đái tháo đường?

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra các chất ức chế SGLT ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của xương bằng cách đẩy nhanh quá trình mất mật độ khoáng chất của xương và cản trở quá trình kích hoạt vitamin D của cơ thể. Do đó, có thể làm tăng nguy cơ gãy xương.

Mới đây, các nhà nghiên cứu từ Trường Y Đại học Maryland cho rằng, những người có mức vitamin D trong cơ thể thấp hơn mức bình thường có nguy cơ mất xương và gãy xương cao hơn khi dùng thuốc ức chế SGLT2.

Nghiên cứu trên các tình nguyện viên, trong đó có người có mức vitamin D thấp, đã dùng canagliflozin trong 5 ngày trước và sau khi được bổ sung vitamin D. Kết quả cho thấy, những người thiếu vitamin D giảm khoảng 31% mức độ của khoáng xương, nhưng ở những người có vitamin D bình thường thì mức giảm nhỏ hơn nhiều (7%).

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học cần có sự nghiên cứu sâu hơn để khẳng định chắc chắn rằng, việc bổ sung vitamin D có thể chống lại tác dụng phụ của chất ức chế SGLT2 đối với sức khỏe của xương.

Bên cạnh đó, cần phải theo dõi lâu dài (khoảng 10–20 năm) để xác định xem liệu sự mất đi mật độ khoáng xương này có dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương ở bệnh nhân trong quá trình điều trị đái tháo đường mạn tính hay không. 

Hiện tại, các chuyên gia vẫn khuyến cáo, nên xem xét bổ sung vitamin D để khôi phục tình trạng vitamin D ở mức bình thường đối với những bệnh nhân thiếu vitamin D đang dùng hoặc những người sẽ dùng thuốc ức chế SGLT2.

Theo suckhoedoisong.vn