Với những người áp dụng chế độ ăn low carb, tức chế độ ăn kiêng bằng cách giảm tinh bột và đường, thì thèm bánh mì là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, ngay cả khi không ăn kiêng thì thỉnh thoảng chúng ta vẫn thèm bánh mì, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Thèm bánh mì có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu serotonin. Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh và cũng là loại hoóc môn tạo cảm giác dễ chịu và hạnh phúc. Nguyên nhân thiếu serotonin là do cơ thể thiếu tryptophan, một loại a xít amin cần thiết để tạo ra serotonin.
Điều này xảy ra do tác động của nhiều cơ chế sinh học trong cơ thể. Khi chúng ta ăn, cơ thể sẽ tiết ra hoóc môn insulin để giúp đưa đường glucose trong máu vào tế bào. Quá trình này ảnh hưởng đến lượng a xít amin được gửi đến não.
Nếu bữa ăn có nhiều protein thì cơ thể sẽ gửi nhiều a xít amin leucine, isoleucine và valine đến não, đồng thời hạn chế a xít amin tryptophan. Tuy nhiên, nếu ăn đủ tinh bột thì lượng tryptophan đến não sẽ nhiều hơn.
Tryptophan là một trong những a xít amin thiết yếu mà cơ thể cần để từ thực phẩm để tạo ra chất dẫn truyền thần kinh serotonin. Serotonin có tác dụng điều chỉnh tâm trạng, giấc ngủ, tiêu hóa, học tập và trí nhớ. Những người có nồng độ serotonin thấp sẽ dễ bị lo âu và trầm cảm.
Serotonin dù có chức năng giúp truyền tải tín hiệu thần kinh từ não đến phần còn lại của cơ thể nhưng ruột vẫn là nơi tạo ra phần lớn serotonin của cơ thể. Khi thèm bánh mì do thiếu serotonin, cách dễ chịu nhất xử lý tình trạng này là hãy ăn bánh mì. Ngoài ra, không chỉ bánh mì mà mọi loại thực phẩm có đường và tinh bột cũng giúp làm tăng serotonin.
Với những người không muốn ăn đường bột vì sợ tăng cân thì có thể ăn các loại thực phẩm khác. Những món giàu a xít amin tryptophan, có thể giúp tăng serotonin là sữa, trứng, thịt gà và phô mai. Nếu muốn ăn tinh bột thì thay vì ăn tinh bột trắng thì hãy ưu tiên các loại tinh bột phức tạp có trong rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt.
Hơn nữa, chúng ta có thể tăng serotonin mà không cần ăn. Tập thể dục cường độ vừa phải từ 30 phút trở lên và duy trì đều đặn cũng có thể giúp tăng serotonin tự nhiên trong cơ thể. Vì căng thẳng làm giảm serotonin nên hãy kiểm soát căng thẳng bằng các bài tập hít thở, thiền hay yoga, theo Healthline.
Theo Thanh niên