leftcenterrightdel
 Bữa sáng với cà phê, bánh khoai tây và trứng chiên. Ảnh: NY Times

Nhiều người cho rằng bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, sau một đêm dài cơ thể không được nạp năng lượng và calo. Quan điểm này được nhắc đến lần đầu vào những năm 1960, sau khi nhà dinh dưỡng học người Mỹ Adelle Davis khuyến khích "ăn sáng như một vị vua, ăn trưa như một hoàng tử và ăn tối như kẻ ăn mày" để giữ dáng và tránh béo phì.

Dù khoảng 15% người dân Mỹ thường xuyên bỏ bữa sáng, phần đông tin rằng đây là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Tuy nhiên, giống với hầu hết các chủ đề về dinh dưỡng, các nghiên cứu liên quan đến bữa sáng có kết quả khác biệt. Một số cho thấy việc bỏ bữa sáng không có hại, số khác chỉ ra điều ngược lại.

Đến nay, hầu hết dẫn chứng cho thấy bữa sáng có lợi cho sức khỏe chủ yếu bắt nguồn từ các nghiên cứu quan sát, không thể chứng minh nguyên nhân và kết quả.

Phân tích tổng hợp từ 14 nghiên cứu năm 2021 chỉ ra rằng người ăn đủ 7 bữa sáng một tuần có nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường, béo phì, huyết áp cao, đột quỵ, tích mỡ bụng thấp hơn. Dù vậy, các chuyên gia chưa thể kết luận bữa sáng là nguyên nhân trực tiếp giúp giảm thiểu các loại bệnh này.

Nghiên cứu trên 30.000 người Mỹ cho thấy bỏ bữa sáng có thể khiến cơ thể người thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng như folate, canxi, sắt, vitamin A, vitamin B1, B2, B3,...

Thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên công bố vào năm 2017, gồm 18 tình nguyện viên mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và 18 người khỏe mạnh, cho thấy bỏ bữa sáng khiến nhịp sinh học bị gián đoạn.

Những người bỏ bữa sáng cũng tăng đường huyết đột ngột sau khi ăn. Do đó, tác giả của nghiên cứu cho rằng việc ăn sáng rất quan trọng, giúp giữ đồng hồ sinh học bên trong cơ thể hoạt động điều độ.

Bỏ bữa sáng có gây tăng cân?

Nhiều người cho biết bữa sáng làm tăng cảm giác no trong ngày. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy cả người bỏ ăn sáng lẫn người ăn đủ bữa có tổng lượng calo tiêu thụ hàng ngày gần như tương đương.

Một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên trên 309 người thừa cân, béo phì cho thấy bữa sáng không có tác động đáng kể đến quá trình giảm cân nói chung.

Phân tích tổng hợp 13 thử nghiệm ngẫu nhiên, có đối chứng công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Anh (BMJ) cho kết quả tương tự. Các chuyên gia cho rằng nên thận trọng khi khuyến nghị ăn sáng để giảm cân, bởi nó có thể cho tác dụng ngược lại.

Nghiên cứu khác thậm chí chỉ ra rằng bỏ bữa sáng có thể làm giảm tổng lượng calo tiêu thụ hàng ngày xuống 252 calo. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý điều này làm giảm chất lượng chế độ ăn uống tổng thể.

Có nên nhịn ăn sáng?

Bữa sáng cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, vì vậy đây là bữa ăn quan trọng trong ngày. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu gần đây, nó không phải bữa ăn quan trọng nhất.

Nếu có thói quen bỏ bữa sáng hoặc không kịp ăn sáng vì điều kiện công việc, môi trường sống, các chuyên gia khuyến nghị nên tối ưu hóa chất dinh dưỡng vào các bữa còn lại. Một số người nhất định, chẳng hạn huấn luyện viên hoặc vận động viên sẽ cảm thấy tốt hơn khi ăn sáng sau buổi tập.

Một số thực phẩm lành mạnh phù hợp cho bữa sáng bao gồm trứng, cháo yến mạch, sữa chua Hy Lạp, quả mọng, bánh mì nướng ngũ cốc nguyên hạt, hạt chia, quả bơ,...

Nghiên cứu dinh dưỡng gần đây cho thấy mỗi người cần tìm ra chế độ dinh dưỡng phù hợp. Chìa khóa để có sức khỏe tốt là có lối sống lành mạnh nói chung. Chuyên gia khuyến nghị tập luyện vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần, duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế đường, chất béo bão hòa và thực phẩm chế biến sẵn, ăn nhiều loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, chú ý đến các dấu hiệu đói của cơ thể, uống nhiều nước, ngủ đủ 7 tiếng,...

Dù chưa đủ bằng chứng cho thấy bữa sáng là bữa quan trọng nhất trong ngày, nó vẫn vô cùng cần thiết, giúp tiếp thêm năng lượng và cung cấp các chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Theo vnexpress