Khi ấn vào bụng và cảm thấy cứng thì nguyên nhân đầu tiên có thể là do táo bón. Để xác định đó có phải là táo bón hay không thì người mắc cần nhớ lại xem lần đầu tiên mình đi ngoài là khi nào, chế độ ăn đã có đủ chất xơ chưa, theo trang sức khỏe Livestrong (Mỹ).

Ấn bụng thấy cứng cảnh báo bệnh gì, khi nào cần đi khám ? - Ảnh 1.

Bụng cứng khi chạm vào nếu kèm theo triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy, chán ăn, mệt mỏi thì cần phải đến khám bác sĩ ngay

SHUTTERSTOCK

Một nguyên nhân khác khiến bụng cứng khi ấn vào là do tích khí trong dạ dày. Điều này xảy ra vì đã nuốt quá nhiều không khí khi ăn, uống hoặc nạp các loại thực phẩm tạo ra nhiều khí như nước ngọt có gas. Nhai kẹo cao su, nói chuyện khi ăn hoặc hút thuốc đều có thể gây đầy hơi, trướng khí trong dạ dày. Để tránh nuốt phải không khí, mọi người cần tập trung nhai kỹ, hạn chế nói chuyện khi ăn, tránh uống nhiều thức uống có gas. Ngoài ra, ăn quá nhiều cũng là nguyên nhân khác gây cứng bụng.

Bụng cứng khi ấn vào thường là do các nguyên nhân vô hại. Tuy nhiên, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe tiềm ẩn không nên bỏ qua. Chẳng hạn, không dung nạp thực phẩm hoặc vi khuẩn trong ruột non phát triển quá mức cũng có thể gây cứng bụng.

Với những người mắc chứng không dung nạp thực phẩm, chẳng hạn không dung nạp đường sữa hay gluten, thì cần chú ý xem mình sẽ không dung nạp món nào và tránh ăn. Nếu không thể xác định được loại thực phẩm nào không dung nạp thì cần đến bác sĩ kiểm tra.

Bụng cứng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh như hội chứng ruột kích thích, viêm ruột thừa, bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng. Với viêm loét đại tràng, người bệnh có thể kèm theo một số triệu chứng như đau dạ dày, tiêu chảy, buồn nôn, sụt cân và có máu trong phân.

Trong một số trường hợp, bụng cứng lại không liên quan gì đến ruột mà do bệnh gan hoặc u nang buồng trứng. Nếu vấn đề từ gan thì tình trạng xơ gan sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, chán ăn, nôn ra máu, đầy hơi, bụng lớn và cứng. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách xét nghiệm máu, chụp CT, siêu âm và chụp cộng hưởng từ.

Với u nang buồng trứng, đây là loại khối u lành tính. Khi khối u lớn, người bệnh sẽ gặp tình trạng bụng cứng, đau, khó chịu khi quan hệ, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, sốt và buồn nôn.

Trong tình trạng xấu nhất, bụng cứng có thể là dấu hiệu của ung thư dạ dày. Các triệu chứng khác của ung thư dạ dày là no kéo dài, khó nuốt, đầy hơi, đau quặn bụng, nôn mửa và ợ nóng.

Các chuyên gia khuyến cáo bụng cứng khi chạm vào dù có nguyên nhân là gì nhưng nếu kèm theo triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy, có máu trong phân hoặc chất nôn, chuột rút, chán ăn, mệt mỏi thì cũng phải đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt, theo Livestrong.

Theo Thanh niên