Cô Erin Palinsky-Wade, chuyên gia dinh dưỡng và thể hình ở Mỹ, cho hay: Bưởi - một loại trái cây họ cam quýt, chứa nhiều chất chống oxy hóa, kali và chất xơ. Sự kết hợp của các chất dinh dưỡng trong bưởi và chỉ số đường huyết thấp khiến nó trở thành một loại trái cây thực sự có lợi.
Bưởi vừa tốt cho người bệnh tiểu đường, vừa hỗ trợ sức khỏe tim mạch, điều chỉnh cholesterol xấu LDL, duy trì mức cholesterol khỏe mạnh, theo tờ New York Post.
Một quả bưởi cỡ vừa có thể cung cấp 100% nhu cầu vitamin C hằng ngày - chất chống oxy hóa giúp tăng cường hệ miễn dịch và sản xuất collagen giúp đẹp da.
Những ai không nên ăn bưởi?
Bưởi rất tốt, tuy nhiên không dành cho tất cả mọi người. Chuyên gia Palinsky-Wade lưu ý những người sau đây nên tránh ăn bưởi.
Người có vấn đề về tiêu hóa. Bưởi có tính axit và có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở những người có vấn đề về tiêu hóa như bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Người mắc bệnh cơ tim. Ăn bưởi có thể làm tăng nguy cơ nhịp tim bất thường. Những người mắc bệnh này nên dùng bưởi vừa phải, theo chuyên trang y tế WebMD.
Người mắc các loại ung thư nhạy cảm với hoóc môn. Đối với người mắc các loại ung thư nhạy cảm với hoóc môn như ung thư vú, buồng trứng, tử cung và ung thư tuyến tiền liệt, ăn nhiều bưởi có thể làm tăng nồng độ hoóc môn, từ đó làm khối u càng phát triển và lan rộng. Vì vậy, những người này nên tránh ăn bưởi.
Người bị nhịp tim không đều. Ăn nhiều bưởi có thể khiến tình trạng nhịp tim không đều trở nên nặng hơn. Đừng dùng bưởi nếu bạn mắc chứng bệnh này.
Người đang uống thuốc chữa bệnh. Bưởi cũng có thể tương tác với một số loại thuốc vì nó có thể ngăn chặn một loại enzyme giúp cơ thể phân hủy thuốc.
Tốt nhất, những người đang dùng thuốc hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thêm bưởi vào chế độ ăn uống, theo New York Post.
Theo Thanh niên