Bưởi giàu vitamin C, chứa chất chống oxy hóa
Theo Trung tâm dinh dưỡng lâm sáng, Bệnh viện K, bưởi là loại trái cây chứa nhiều vitamin C và nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe.
Cụ thể, mỗi 100g bưởi chứa 38 kcal, 0,76g protein, 9,62g carbohydrat, 1 g chất xơ, 61mg vitamin C.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra Furanocoumarins trong bưởi có khả năng chống oxy hóa, chống lại sự phát triển của tế bào ung thư, chống viêm và tăng cường sức khỏe xương.
Ngoài ra, bưởi là loại hoa quả có chỉ số đường huyết thấp (GI: 25), có hàm lượng chất xơ ổn định nên được dùng cho bữa ăn của bệnh nhân có đường máu cao. Bưởi có hàm lượng năng lượng thấp, cung cấp nhiều vitamin và chất khoáng nên rất có ý nghĩa trong việc giảm cân, kiểm soát cân nặng.
Vì thế, các chuyên gia đưa ra lời khuyên tăng cường bưởi trong bữa ăn hàng ngày của gia đình. Bệnh nhân ung thư cũng được khuyến nghị dùng bưởi thường xuyên, nhưng sử dụng bưởi trong quá trình điều trị cần phải tuân theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế để đảm bảo lợi ích cho người bệnh.
Vì các nghiên cứu trên nhóm bưởi chùm grapefruit cho thấy một số mối tương tác giữa nước bưởi và thuốc điều trị. Trong bưởi có chứa hợp chất flavonoid (naringin, naringenin) gây ảnh hưởng đến cytocrom P450 (CYP3A4)- izozym chính trong chuyển hóa thuốc. Hợp chất Furanocoumarins trong bưởi chùm cũng gây ảnh hưởng đến P450 và glycoprotein G ở ruột non- tác dụng như một cái bơm đẩy thuốc từ dịch kẽ trở lại lòng ruột.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng uống 20ml nước bưởi có thể làm giảm chuyển hóa thuốc. Tác dụng ức chế của nước bưởi sẽ tối đa khi uống cùng lúc với thuốc hoặc trước khi uống thuốc 1 tiếng.
Ăn bưởi trong vòng 12 tiếng từ khi uống thuốc thì mối tương tác này vẫn được ghi nhận. Một số thuốc điều trị ung thư có tương tác với nước bưởi gồm: Thuốc imatinib, nilotinib, sunitinib, nhóm Etoposide. Tuy nhiên, nước bưởi chỉ có tương tác chủ yếu với thuốc dùng đường uống (với cùng một thuốc mà dùng đường tiêm, hay đường tĩnh mạch thì nước bưởi không có hoặc có rất ít tương tác).
Rau họ cải rất giàu dinh dưỡng
Rau họ cải gồm rất nhiều loại như cải bắp, cải thảo, súp lơ, cải brussel, cải xoăn, cải làn, củ cải, su hào, xà lách, cải xoong...
Rau họ cải rất giàu chất dinh dưỡng như carotenoid (beta-carotene, lutein, zeaxanthin), vitamin C, E, K; folate; và khoáng chất, rau họ cải là một nguồn chất xơ tốt. Ngoài ra, rau họ cải còn chứa glucosinolate, là chất chứa lưu huỳnh - tạo ra mùi thơm hăng và vị đắng của các loại rau họ cải.
Trong quá trình chế biến, nhai và tiêu hóa thức ăn, glucosinolate trong các loại rau họ cải bị phân hủy để tạo thành các hợp chất hoạt tính sinh học như indoles, nitriles, thiocyanates và isothiocyanates. Trong đó, Indole-3-carbinol (một indole) và sulforaphane (một isothiocyanate) được kiểm tra nhiều nhất về tác dụng chống ung thư. Indoles và isothiocyanates được phát hiện có thể ức chế sự phát triển ung thư trên một số cơ quan ở chuột bao gồm bàng quang, vú, ruột, gan, phổi và dạ dày. Cụ thể là có một nghiên cứu cho thấy indole-3-carbinol hiệu quả hơn giả dược trong việc giảm sự phát triển của các tế bào bất thường trên bề mặt cổ tử cung.
Theo dantri.com.vn