Tù nhân tại nhà tù thành phố Quezon. Ảnh: AFP.
24h qua:
- Mỹ vẫn là tâm điểm của đại dịch với 675.527 người nhiễm bệnh, 34.522 ca tử vong, tăng lần lượt 27.524 và 2.079 ca sau 24 giờ.
- Singapore đang nổi lên như một điểm nóng về Covid-19 tại Đông Nam Á với 728 ca nhiễm mới - tăng gấp đôi so với hôm 16/4 (447 ca) - đưa tổng số trường hợp lên 4.427.
- Tokyo lần đầu vượt 200 ca nhiễm mỗi ngày. Thủ đô này hiện là vùng dịch lớn nhất Nhật Bản với 2.796 trường hợp, chiếm hơn 1/4 tổng số ca nhiễm tại nước này.
- Nga tăng ca nhiễm mới theo ngày kỷ lục với 4.069 bệnh nhân.
17h30
Nhà tù Philippines 'kêu cứu'
18 người, gồm 9 quản ngục và 9 tù nhân tại một nhà tù Philippines cho kết quả dương tính với nCoV, quan chức cho biết ngày 17/4. Điều này làm dấy lên nỗi sợ hãi về sự lây lan nhanh chóng của Covid-19 tại hệ thống nhà tù đông đúc tại đất nước. "Hiện các tù nhân bị cách ly và nhân viên nhà tù được tự cách ly tại nhà. Chúng tôi vẫn đang trong quá trình theo dõi chặt chẽ", người phát ngôn Cục quản lý Nhà tù, Xavier Solda cho hay.
30 tù nhân khác bên trong nhà tù thành phố Quezon, thủ đô Manila đang xuất hiện các triệu chứng. Tình trạng quá tải tại nhà tù ở Quezon là vấn đề nhìn thấy rõ rệt trong hệ thống nhà giam đông đúc trên khắp Philippines, đến mức các tù nhân chia lượt để ngủ trên cầu thang và sân bóng rổ ngoài trời.
Tòa án tối cao Philippines đã trì hoãn quyết định về việc có nên thả tù nhân - nhóm đối tượng dễ bị tổn thương - ra hay không. Thay vào đó, giới chức yêu cầu nộp báo cáo về các biện pháp đối phó với nCoV trong tù. "Việc thả tù nhân và các biện pháp giải quyết tình trạng quá tải nghiêm trọng trong nhà tù thực sự là vấn đề giữa sự sống và cái chết", luật sư nhân quyền, Jose Manuel Diokno nói với AFP.
Trước sự bùng phát dịch, Tổ chức theo dõi nhân quyền kêu gọi Manila phải sớm thực hiện phóng thích các tù nhân nhằm giảm tình trạng quá tải và nguy cơ lây nhiễm.
Philippines là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á với 5.878 ca nhiễm và 387 ca tử vong.
17h20
Số ca nhiễm mới của Tây Ban Nha cao nhất tuần
Trưa 17/4 (giờ địa phương), Tây Ban Nha báo cáo 5.252 trường hợp nhiễm nCoV mới sau 24 giờ, mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ 10/4, đưa tổng số bệnh nhân Covid-19 lên 188.068.
Tây Ban Nha chưa công bố số liệu cụ thể về tổng ca tử vong, nhưng New York Times dẫn lời một nguồn tin cho biết con số này đã gần chạm mốc 20.000. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy thực tế nó có thể cao hơn nhiều, với nhiều trường hợp tử vong - đặc biệt là những người trong viện dưỡng lão - không được phân loại chết vì Covid-19.
16h50
Australia có thể áp dụng cách biệt cộng đồng một năm
Thủ tướng Morrison cho biết những biện pháp cách biệt cộng đồng sẽ được duy trì trong ít nhất 4 tuần nữa và một số nơi có thể kéo dài đến một năm. "Cách biệt cộng đồng nên trở thành điều quen thuộc với chúng ta. Nó có thể kéo dài một năm, nhưng tôi không suy đoán về điều đó", ông Scott Morrison nói trong cuộc họp báo chiều 17/4, Reuters đưa tin.
Ông cho biết thêm, bất kỳ việc nới lỏng lệnh hạn chế lúc này đều không xảy ra, cho đến khi Australia tăng cường việc xét nghiệm, theo dõi và sẵn sàng đáp ứng được tình hình địa phương.
Người dân Australia đang được khuyến khích đăng kí một ứng dụng trên điện thoại di động nhằm theo dõi nguy cơ nhiễm bệnh. Ứng dụng trên điện thoại thông minh được kỳ vọng là chìa khóa để cải thiện việc quản lý bằng cách phát hiện xem mọi người đã dành hơn 15 phút tiếp xúc với những người khác có thể nhiễm bệnh hay chưa. Tuy nhiên, ứng dụng này đang gây tranh cãi vì xâm phạm quyền riêng tư.
Thủ tướng Scott Morrison cho biết việc tải ứng dụng là tự nguyện. Việc phát hiện các ổ dịch mới tiềm năng sẽ là một phần quan trọng trong việc thực hiện nghiêm ngặt biện pháp giãn cách xã hội.
Australia được cho đã tránh được viễn cảnh tồi tệ của đại dịch sau khi đóng cửa biên giới và áp dụng các biện pháp cách biệt cộng đồng nghiêm ngặt. Các nhà hàng, quán bar và doanh nghiệp không cần thiết đều phải đóng cửa. Australia ban hành lệnh cấm cuộc tụ tập hơn hai người, thậm chí phạt tù và phạt tiền nếu ai vi phạm.
Australia ghi nhận 6.522 ca nhiễm và 65 trường hợp tử vong.
16h10
Số ca nhiễm mới tại Nga tăng kỷ lục
Trung tâm ứng phó khủng hoảng Nga sáng 17/4 (giờ địa phương) báo cáo sự gia tăng kỷ lục của các trường hợp nhiễm nCoV. Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận 4.069 bệnh nhân mới và 41 ca tử vong mới, nâng tổng số ca Covid-19 trên toàn quốc lên 32.007 người, trong đó có 273 người chết.
Số ca nhiễm nCoV tại Nga đã bắt đầu tăng mạnh trong tháng 4, mặc dù trước đó các số liệu tại quốc gia này ít hơn nhiều so với các nước Tây Âu trong giai đoạn đầu của đại dịch. Trước tình hình căng thẳng, Tổng thống Putin đã quyết hoãn duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng dự kiến diễn ra vào 9/5 ở Moskva và có thể lùi đến cuối năm.
"Những rủi ro liên quan đến dịch bệnh vốn chưa đạt đỉnh là cực kỳ cao. Tình hình này không cho tôi quyền bắt đầu chuẩn bị cho cuộc duyệt binh và các sự kiện đại chúng khác vào lúc này", Tổng thống Putin nói hôm 16/4.
15h15
Myanmar thả gần 25.000 tù nhân
Tổng thống Win Myint cho biết nước này sẽ thả 24.896 tù nhân trên khắp cả nước, trong đó có 87 người nước ngoài, trong một ân xá đánh dấu năm mới truyền thống.
Văn phòng tổng thống cho hay, điều này được cho đáp ứng việc tù nhân đông đúc tại khu nhà tù trong bối cảnh Covid-19 lây lan. Việc phóng thích tù nhân không phải là điều mới lạ, song đây là con số cao nhất trong những năm gần đây. Các nhóm tổ chức nhân quyền ước tính, hệ thống nhà tù Myanmar giam giữ hơn 92.000 tù nhân, bao gồm cả những người đang chờ xét xử.
Myanmar chỉ ghi nhận 85 ca nhiễm, 4 ca tử vong, gần đây không báo cáo thêm ca nhiễm mới.
14h45
Tokyo tăng ca nhiễm mới kỷ lục
Ngày 17/4, Thống đốc Koike Yuriko cho biết có 201 ca nhiễm mới được xác nhận. Lần đầu tiên số ca nhiễm tại thủ đô Nhật Bản vượt mức 200 ca/ngày. Thống kê mới đưa tổng số ca nhiễm hiện tại lên 2.796 - vùng dịch lớn nhất Nhật Bản - chiếm hơn 1/4 tổng số ca nhiễm tại nước này.
Cũng trong hôm nay, người dân Tokyo bắt đầu nhận được mỗi gia đình 2 chiếc khẩu trang như lời hứa của Thủ tướng Abe, theo Kyodo News. Việc phân phối khẩu trang do chính phủ cấp sẽ được đưa tới từng hộ gia đình trong một nỗ lực chống lại sự lây lan của Covid-19.
8h25
Hàn Quốc 'đau đầu' vì các ca tái nhiễm; Trung Quốc không ca tử vong mới
Hàn Quốc hôm nay ghi nhận 22 ca nhiễm mới, 1 ca tử vong, đưa tổng số lần lượt lên 10.635 và 230, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC).
Covid-19 tại Hàn Quốc đang giảm mạnh song các nhà chức trách đang theo dõi nghiêm ngặt những bệnh nhân được cho đã loại bỏ được nCoV nhưng sau đó tái nhiễm. Theo KCDC, ít nhất 141 người Hàn Quốc đã tái dương tính với nCoV, hầu hết trong số họ ở tỉnh Daegu và Bắc Gyeongsang - tâm chấn dịch ban đầu của đất nước. 55 ca trong số đó là những người ở độ tuổi 20 hoặc 30. "Ở đại dịch SARS và MERS, chúng tôi không nhận thấy bệnh nhân dương tính trở lại sau khi hồi phục hoàn toàn", Phó Giám đốc KCDC Kwon Jun-wook nói. Ông nói thêm Covid-19 dường như mang "độc tính mạnh và khó lường" hơn.
Dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong số hơn 7.500 người được xuất viện trong nước, nhưng hiện tượng này khiến giới chức y tế phải "đau đầu", đặt ra dấu hỏi về mặt tối của chủng virus gây ra Covid-19, cướp đi hơn 145.000 sinh mạng toàn cầu.
Nhân viên y tế tại Trung tâm y tế Dongsan ở Daegu, Hàn Quốc. Ảnh: AP.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc báo cáo 26 ca nhiễm mới, giảm một nửa so với thống kê cùng khung giờ hôm qua (46 ca). Trong số đó, 15 trường hợp nhập ngoại.
Hôm nay, Trung Quốc xác nhận 0 ca tử vong. Thống kê mới đưa tổng số ca nhiễm lên 82.367 và số người chết giữ nguyên 3.342.
Nước này báo cáo thêm 66 ca không triệu chứng, tăng nhẹ so với ngày hôm qua. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng không có triệu chứng đang được theo dõi y tế và cách ly tập trung 14 ngày.
7h55
Nhà văn 'Chuyện con mèo dạy hải âu bay' qua đời vì nhiễm nCoV
Guardian đưa tin, nhà văn nổi tiếng người Chile, Luis Sepúlveda, qua đời ở tuổi 70, sau 6 tuần chống chọi với Covid-19. Ông bắt đầu xuất hiện các triệu chứng từ 25/2 sau khi trở về nhà từ một lễ hội sách tại Bồ Đào Nha. Đến ngày 1/3, ông được xác nhận là ca nhiễm đầu tiên ở vùng Asturias (Tây Ban Nha) - nơi ông sống 20 năm. Ông đã trút hơi thở cuối cùng vào hôm 16/4 tại bệnh viện miền bắc Tây Ban Nha.
Nhà văn Luis Sepúlveda.
Luis sinh tháng 10/1949 tại Ovalle, phía bắc thủ đô Santiago, là tác giả nổi tiếng ở Chile. Ông dành phần lớn cuộc đời lưu vong tại châu Âu. "Lão già mê đọc truyện tình" là tác phẩm nổi tiếng nhất của Luis Sepúlveda, được dịch ra 35 thứ tiếng với 18 triệu bản, đưa tên tuổi của ông ra khắp thế giới.
Độc giả nhí Việt Nam còn biết đến ông qua tác phẩm như Chuyện con mèo dạy hải âu bay, Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp...
Các tác phẩm của Sepúlveda được đánh giá cao với giọng văn hài hước mà giản dị, miêu tả cuộc sống đời thường. Các tác phẩm của ông được dịch ở khoảng 50 quốc gia, bao gồm từ tiểu thuyết, truyện thiếu nhi, truyện ngắn. Sepúlveda đặc biệt thành công ở châu Âu - nơi ông sống từ những năm 80. Ông từng được trao nhiều giải thưởng văn học quốc tế.
7h20
Các nước Đông Nam Á không ngừng tăng ca nhiễm
Singapore đang nổi lên như một điểm nóng về Covid-19 tại Đông Nam Á. Bộ Y tế Singapore (MOH) hôm 17/4 xác nhận 728 ca nhiễm - tăng gấp đôi so với hôm qua (447 ca) - đưa tổng số trường hợp lên 4.427.
Trong số các ca nhiễm mới, 654 trường hợp liên quan đến ký túc xá công nhân nhập cư. Mức này cũng cao hơn nhiều so với kỷ lục trước đó khi có hơn 400 ca nhiễm được báo cáo vào hôm qua.
Nước này báo cáo 0 ca tử vong mới, giữ nguyên số người không qua khỏi ở mức 10. Singapore nhận được lời khen ngợi từ tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong việc giảm thiểu sự lây lan Covid-19 với các biện pháp theo dõi và giám sát nghiêm ngặt.
Phillipines tiếp tục là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á với 5.660 ca nhiễm và 362 ca tử vong. Nước này đang mở rộng chương trình xét nghiệm nCoV. Đến nay, nước này đã xét nghiệm được cho 48.171 người.
Indonesia là "vùng dịch chết chóc" lớn nhất Đông Nam Á với 496 ca tử vong. Nước này hiện ghi nhận 5.516 ca nhiễm.
Thái Lan ghi nhận 2.672 ca nhiễm và 46 trường hợp tử vong mới, tăng lần lượt 29 và 3 so với hôm qua. Nước này hiện đã tiến hành 100.498 xét nghiệm.
Campuchia không có ca nhiễm mới trong ngày thứ 4 liên tiếp. Hiện nước này ghi nhận 122 ca dương tính, chưa có ai tử vong.
Campuchia quyết định kéo dài lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Mỹ, Iran, Italy, Đức, Tây Ban Nha và Pháp trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch. Campuchia từ giữa tháng 3 ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với các du khách nước ngoài đến từ 6 quốc gia trên và áp đặt lệnh hạn chế nhập cảnh đối với mọi công dân nước ngoài kể từ ngày 30/3.
7h00
Hơn 145.000 người chết trên toàn cầu
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới ghi nhận 2.176.164 ca nhiễm, trong đó 145.304 người đã chết. Covid-19 lan rộng và ảnh hưởng đến 210 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hiện 546.437 người đã hồi phục, tính đến sáng 17/4. Eswatini là quốc gia mới nhất ghi nhận ca tử vong đầu tiên trong số 17 ca nhiễm được xác nhận.
Mỹ vẫn là tâm điểm của đại dịch với 675.527 người nhiễm bệnh, 34.522 ca tử vong, tăng lần lượt 27.524 và 2.079 ca sau 24 giờ, theo Worldmeter. Đây cũng là quốc gia thực hiện số xét nghiệm lớn nhất thế giới, với gần 3,4 triệu lượt.
New York là bang chịu ảnh hưởng nặng nề, tuy nhiên số ca nhập viện vì virus trên toàn bang đã giảm nhẹ. Thống đốc Andrew Cuomo cho biết, 17.735 người nhập viện trên khắp New York, giảm từ 18.335 một ngày trước đó. Đây là con số thấp nhất kể từ ngày 6/4. "Số ca nhập viện và tử vong liên quan vì nCoV ở New York đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần, thêm bằng chứng cho thấy tình trạng khó khăn nhất đang được kiểm soát", Thống đốc Andrew Cuomo nói. Ông cho biết thêm sẽ gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 15/5.
Theo một thống kê, 22 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong bốn tuần qua.
Tây Ban Nha là vùng dịch lớn nhất châu Âu và đứng thứ hai thế giới. Quốc gia này ghi nhận thêm 4.289 ca nhiễm và 503 người tử vong trong 24 giờ qua. Thống kê mới đưa tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 184.498 và 19.135.
Bộ Y tế Anh cho biết số ca tử vong tăng thêm 861 người, đưa tổng số lên 13.729. Sau vài ngày giảm, số người chết tại Anh đang biểu thị tốc độ tăng. Anh ghi nhận thêm hơn 4.600 ca nhiễm, cán mốc 103.093 người dương tính.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Dominic Raab cho biết chính phủ quyết định gia hạn lệnh phong tỏa thêm "ít nhất 3 tuần". "Việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa vào lúc này sẽ có nguy cơ cao về làn sóng lây nhiễm thứ hai, ảnh hưởng đến các tiến bộ mà chúng ta đạt được cho đến nay", Raab nói.
Số người chết ở Pháp cũng tăng trở lại trong bối cảnh xuất hiện những dấu hiệu tích cực. Pháp ghi nhận thêm 753 người chết, nâng tổng số lên 17.920 - là vùng dịch thứ 4 của thế giới. Nước này báo cáo thêm 17.164 ca nhiễm mới, đưa tổng số lên 165.027.
Mặc dù số ca nhiễm và tử tăng, nhưng số bệnh nhân ở diện chăm sóc đặc biệt giảm 8 ngày liên tiếp. Jerome Salomon - người đứng đầu cơ quan y tế công cộng - cho biết số người trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt đã giảm xuống 474, còn 6.248, mức thấp kể từ ngày 1/4.
Pháp gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc thêm một tháng để ngăn đại dịch, tới hết 11/5.
Thổ Nhĩ Kỳ báo cáo thêm 125 ca tử vong mới, nâng tổng số người không qua khỏi lên 1.643. Số bệnh nhân dương tính cũng nhảy vọt lên 74.193 sau khi tăng 4.801 trường hợp. Bộ Y tế nước này cho biết thêm, 1.854 bệnh nhân đang được điều trị tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt.
Đức báo cáo thêm 2.945 ca nhiễm và 248 ca tử vong mới, đưa tổng số lên lần lượt là 137.698 và 4.052.
Canada hiện ghi nhận 29.929 ca nhiễm và gần 1.200 ca tử vong. Thủ tướng Justin Trudeau cho biết, biên giới giữa Canada và Mỹ sẽ không mở cửa sớm cho bất kỳ chuyến du lịch không thiết yếu nào. Tháng trước Canada đóng cửa biên giới với Mỹ để phòng dịch, lệnh cấm sẽ hết hạn vào 19/4.
6h30
Trump tuyên bố sẽ 'mở cửa nước Mỹ trở lại'
Reuters đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hướng dẫn mở cửa kinh tế trở lại trong bối cảnh số ca Covid-19 tại nước này tiếp tục tăng mạnh. "Dựa trên dữ liệu mới nhất, đội ngũ chuyên gia nhất trí rằng có thể bắt đầu mặt trận mới trong cuộc chiến, được chúng tôi gọi là mở cửa nước Mỹ Trở lại", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 16/4.
Trump cho biết các thống đốc sẽ được quyền quyết định cách tiếp cận dựa trên tình hình thực tế từng bang. "Chúng ta không đồng loạt mở cửa tất cả, mà cẩn thận làm từng bước một", ông nói.
Trump đầu tuần này khẳng định có "thẩm quyền tối thượng" để buộc thống đốc các bang tuân theo chỉ thị về mở cửa trở lại nền kinh tế. Rồi một ngày sau, ông nói sẽ không đặt ra "bất kỳ áp lực" nào đối với các thống đốc bang liên quan vấn đề này. "Nếu họ cần đóng cửa tiếp, chúng tôi sẽ cho phép. Nếu họ tin là đã tới lúc mở cửa trở lại, chúng tôi sẽ cho họ sự tự do và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ đó và rất nhanh phụ thuộc vào việc họ muốn làm gì", ông nói.
Mỹ đã qua đỉnh dịch và tình hình dịch đang dần ổn định, theo Trump. Hiện Mỹ ghi nhận 675.527 ca nhiễm, 34.522 người chết, tăng lần lượt là 27.524 ca và 2.079 ca, theo Worldmeter.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
6h15
Hàng trăm nghìn trẻ em có thể chết vì ảnh hưởng của Covid-19
"Hàng trăm nghìn trẻ em có thể chết trong năm nay do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra bởi đại dịch Covid-19. Hàng chục triệu người khác có thể rơi vào tình trạng 'cực kỳ nghèo khổ' do khủng hoảng", Liên Hợp Quốc đưa ra lời cảnh báo hôm 16/4.
Liên Hợp Quốc cũng cho biết trong một báo cáo rằng, khoảng 369 triệu trẻ em trên 143 quốc gia thường dựa vào bữa ăn ở trường để có nguồn dinh dưỡng hàng ngày, giờ đây chúng đã bị mất đi.
"Chúng tôi phải hành động ngay bây giờ trước mối đe dọa này đối với con cái của chúng ta", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres nói.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng đưa ra cảnh báo rằng khó khăn kinh tế của các gia đình gặp phải do suy thoái kinh tế toàn cầu có thể dẫn đến hàng trăm nghìn trẻ em tử vong vào năm 2020 - đi ngược lại tiến trình hai đến ba năm qua trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.
5h45
Bộ trưởng Y tế Brazil bị sa thải
Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro đã sa thải Bộ trưởng Y tế Luiz Henrique Mandetta. Thông tin này cũng được ông Mandetta xác nhận trên twitter. "Tôi đã nghe thông tin việc mình bị sa thải khỏi Bộ Y tế", ông viết.
Tổng thống Brazil bổ nhiệm bác sĩ chuyên khoa ung thư Nelson Teich vào ghế Bộ trưởng, ngay sau khi sa thải người tiền nhiệm vì những bất đồng quan điểm về cách đối phó với đại dịch Covid-19.
Bolsonaro và Mandetta đã xảy ra bất hòa trong nhiều tuần về việc xử lý dịch. Tổng thống Jair Bolsonaro giảm bớt mức độ nghiêm trọng của Covid-19, mô tả đây là loại cúm không nghiêm trọng, đồng thời ủng hộ những loại thuốc chưa được chứng minh và công kích các thống đốc đưa ra lệnh phong tỏa, cho rằng nền kinh tế sẽ chịu nhiều thiệt hại.
Bộ trưởng Y tế Brazil, ông Henrique Mandetta. Ảnh: Reuters.
Mandetta - một bác sĩ - đã giành được đông đảo sự ủng hộ cho những phản ứng với đại dịch, bao gồm việc thúc đẩy các biện pháp cách ly được ban hành bởi các thống đốc bang.
Hiện Brazil ghi nhận 30.683 bệnh nhân Covid-19, trong đó 1.947 người chết.
5h35
Số ca nhiễm mới ở Italy tăng trở lại
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy hôm 16/4 báo cáo thêm 525 ca tử vong, giảm 53 so với một ngày trước đó, nâng tổng số người chết lên 22.170. Hiện, Italy là "vùng dịch chết chóc" đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Mặc dù số ca tử vong giảm, số ca nhiễm mới tại Italy tăng nhanh lên 3.786 ca nhiễm mới - cao hơn 1.000 trường hợp so với thống kê cùng khung giờ một ngày trước đó (2.667 ca). Hiện có 168.941 ca dương tính tại Italy, cao thứ ba toàn cầu sau Mỹ và Tây Ban Nha.
Có 2.936 bệnh nhân ở diện chăm sóc đặc biệt. Trong số những người bị nhiễm ban đầu, 40.164 đã phục hồi.
Một trạm kiểm soát của cảnh sát ở Milan. Ảnh: New York Times.
Theo ione