Một kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet ước tính có khoảng 3,8 triệu người trên thế giới chết vì nhiễm nấm hằng năm, tăng gần gấp đôi so với 1 thập niên trước.

leftcenterrightdel
 Nấm phổi là một bệnh lý ít gặp, tuy nhiên bệnh có tỷ lệ tử vong cao nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Nói cách khác, nhiễm nấm liên quan đến khoảng 6,8% tổng số ca tử vong trên toàn cầu. Đáng chú ý, nhiễm nấm có thể là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến tử vong ở bệnh nhân. Ví dụ bệnh phổi liên quan đến khói thuốc (COPD) chiếm 6% tổng số người chết hằng năm, khoảng 1/3 trong số này có tác động từ nhiễm nấm. Khoảng 50% trong số 600.000 ca tử vong do AIDS cũng đến từ nhiễm nấm. 

Giáo sư David W. Denning từ Đại học Manchester (Anh) - tác giả chính của nghiên cứu - lưu ý: dù phương pháp chẩn đoán bệnh do nhiễm nấm đã được cải thiện đáng kể, khả năng tiếp cận sàng lọc và xét nghiệm đều còn hạn chế. Vấn đề tồn tại không chỉ ở các nước có thu nhập thấp. Nam Phi có dịch vụ chẩn đoán tuyệt vời đối với bệnh viêm màng não do nấm (Cryptococcal) và nhiễm nấm máu (Candida), nhưng không có dịch vụ chẩn đoán các bệnh nhiễm trùng do một loại nấm rất phổ biến khác là Aspergillus.

Tình trạng kháng kháng sinh ở nấm cũng là một vấn đề ngày càng gia tăng do người nông dân phun thuốc diệt nấm bừa bãi trong khi canh tác. Giáo sư Denning lưu ý: “Không có vắc xin phòng bệnh nhiễm nấm. Bệnh nấm nghiêm trọng thường tấn công khi cơ thể đã suy yếu vì bệnh khác, chỉ một số ít trường hợp xuất hiện ở những người khỏe mạnh và những người sống, làm việc trong môi trường ẩm mốc. Đó là lý do tại sao việc chẩn đoán chính xác và kịp thời là hết sức cần thiết”.

Theo phụ nữ TPHCM