Các bác sĩ Kenya đình công trên toàn quốc
Cập nhật lúc 23:39, Thứ bảy, 16/03/2024 (GMT+7)
Hiệp hội Dược sĩ và Nha sĩ Kenya cho biết họ đã đình công để yêu cầu bảo hiểm y tế toàn diện cho các bác sĩ và vì chính phủ vẫn chưa gửi 1.200 thực tập sinh y tế, trong bối cảnh thiếu nguồn nhân lực trầm trọng.
|
|
Nhiều bệnh viện Kenya vật lộn vì thiếu nhân sự |
Các bác sĩ tại các bệnh viện công của Kenya đã bắt đầu một cuộc đình công trên toàn quốc, cáo buộc chính phủ không thực hiện một loạt lời hứa từ thỏa thuận được ký kết vào năm 2017, sau cuộc đình công kéo dài 100 ngày khiến nhiều người chết vì thiếu sự chăm sóc y tế.
Tiến sĩ Davji Bhimji cho biết 4.000 bác sĩ đã tham gia đình công, bất chấp lệnh của tòa án lao động yêu cầu công đoàn tạm dừng đình công để đàm phán với chính phủ.
Và tiến sĩ Dennis Miskellah, Phó tổng thư ký của công đoàn, cho biết họ sẽ bỏ qua lệnh của tòa án giống như cách chính phủ đã bỏ qua 3 lệnh của tòa án yêu cầu tăng lương cơ bản cho các bác sĩ.
Miskellah nói rõ, các thực tập sinh y tế chiếm 27% lực lượng lao động tại các bệnh viện công của Kenya và sự vắng mặt của họ có nghĩa là nhiều người bệnh đang bị bệnh viện từ chối. Tuy nhiên, một số bác sĩ vẫn túc trực để đảm bảo bệnh nhân trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt không gặp nguy hiểm.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình hàng đầu Citizen TV, Miskellah cho biết thời gian qua một số bác sĩ đã tự tử vì thất vọng liên quan đến công việc, trong khi những người khác đã phải gây quỹ để điều trị bệnh do thiếu bảo hiểm y tế toàn diện.
Tác động của cuộc đình công đã được cảm nhận trên khắp đất nước với nhiều bệnh nhân không được chăm sóc hoặc bị các bệnh viện trên khắp quốc gia Đông Phi này từ chối.
Pauline Wanjiru cho biết cô đã đưa cậu con trai 12 tuổi của mình đi điều trị chân bị gãy, nhưng một bệnh viện ở Kakamega, phía Tây Kenya không tiếp nhận.
Năm 2017, các bác sĩ tại các bệnh viện công của Kenya đã tổ chức một cuộc đình công kéo dài 100 ngày, yêu cầu mức lương tốt hơn và kêu gọi chính phủ khôi phục các cơ sở y tế công cộng của đất nước. Họ cũng yêu cầu chính phủ liên tục đào tạo và thuê bác sĩ để giải quyết tình trạng thiếu chuyên gia y tế nghiêm trọng.
Vào thời điểm đó, các bác sĩ, những người được đào tạo 6 năm ở trường đại học, chỉ kiếm được mức lương cơ bản từ 400-850 USD/tháng.
Theo phụ nữ TPHCM