|
|
Philippines là một trong những quốc gia biến chủng phụ BA.2 của Omicron phát tán nhanh chóng. Ảnh: Reuters. |
Từ khi Omicron xuất hiện vào cuối 2021, chủng virus này đã có khả năng lây nhiễm cao và tách thành hàng loạt dòng phụ. Chúng khiến làn sóng Covid-19 mới xảy ra khắp thế giới.
Theo Bloomberg, sự gia tăng hàng loạt biến chủng như vậy là chưa từng có và tạo ra nhiều lần lặp lại siêu đột biến chống lại nhau trong cuộc đua giành quyền thống trị toàn cầu. Đó cũng là cách Covid-19 trở thành căn bệnh lây lan nhanh nhất trong lịch sử, thách thức những nỗ lực giảm thiểu đại dịch. Trong khi đó, dân số toàn cầu vốn đã mệt mỏi với việc tiêm chủng, xét nghiệm và đeo khẩu trang thường xuyên.
Omicron phát triển như thế nào?
Omicron lần đầu tiên được xác định ở miền Nam châu Phi vào cuối năm 2021. Khi đó, nó vượt trội hơn so với Delta.
Chủng gốc của Omicron là B.1.1.529, có khoảng 30 đột biến trong gene tạo protein gai. Nó giúp SARS-CoV-2 có vẻ ngoài ngày càng giống vương miện, nhờ protein gai mà xâm nhập vào các tế bào.
Những thay đổi ở protein gai có thể làm cho mầm bệnh khó nhận biết hơn với các kháng thể mà hệ miễn dịch tạo ra khi chúng ta tiêm chủng hoặc mắc Covid-19. Điều này khiến nguy cơ tái nhiễm ngày càng cao.
Những chủng phụ này nguy hiểm thế nào?
Sự phát triển liên tục của Omicron kể cuối năm 2021 đã dẫn tới sự xuất hiện nhanh chóng của hàng loạt dòng phụ. Chúng góp phần khiến Omicron ngày càng lây lan nhanh.
Mỗi loại chứa một loạt các đột biến di truyền khác nhau, ảnh hưởng đến khả năng né tránh miễn dịch, lây nhiễm và thậm chí là độc lực của kháng thể. Một số chủng đột biến đã chứng minh khả năng trốn tránh các kháng thể nổi bật, bao gồm cả kháng thể dùng để điều trị Covid-19. Khả năng lây nhiễm vào các tế bào hô hấp con người của virus cũng ngày càng được nâng cấp. Kết quả, chúng thành thạo hơn rất nhiều trong việc lây lan giữa cộng đồng người.
Các nhà khoa học đã đặt biệt danh cho các biến chủng cụ thể, như “basilisk” và “gryphon”, để phân biệt chúng giữa những ký hiệu phức tạp của chữ cái và số La Mã mà tên gọi khoa học tiêu chuẩn vẫn sử dụng.
|
|
Sự tiến hóa chưa từng có của Covid-19. Omicron xuất hiện và sản sinh ra hàng chục biến chủng phụ khác nhau. Đây là điều chúng ta chưa từng chứng kiến trước đây. Ảnh: SolidEvidence. |
Chủng nào đáng lo nhất?
Trong số hàng chục dòng phụ của Omicron, BQ.1.1, BQ.1, BQ.1.3, BA.2.3.20 và XBB là những dòng lây lan nhanh nhất.
Dựa trên dữ liệu của Vương quốc Anh, các biến chủng BQ, cũng như BA.2.75.2 và BF.7, được xếp vào nhóm đáng quan tâm. Chúng có lợi thế tăng trưởng và né tránh miễn dịch. Cơ quan Y tế Vương quốc Anh ngày 7/10 xác nhận điều này với báo giới.
Dòng phụ BF.7 cũng đang tăng ở Mỹ. Vào ngày 8/10, quốc gia này ghi nhận 4,6% tổng ca mắc là nhiễm BF.7, tăng 1,3% so với mức 3,3% của tuần trước đó, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).
Bên cạnh đó, CDC cũng ghi nhận BA4.6 là chủng phổ biến nhất sau BA.5, chiếm 13,6% các trường hợp trong tuần đầu tiên của tháng 10, cao hơn mức 12,7% của tuần trước đó. Ở Bangladesh và Singapore, chủng XBB liên quan đến đợt gia tăng nhỏ các ca mắc gần đây.
|
|
Một trung tâm xét nghiệm PCR Covid-19 ở Valby, ngoại ô Copenhagen, Đan Mạch, ngày 17/1. Ảnh: Bloomberg. |
Hiệu quả của vaccine
Nhìn chung, các biến chủng phụ của Omicron đều khiến khả năng miễn dịch do vaccine cung cấp bị giảm hiệu quả. Liều tăng cường, đặc biệt là các mũi tiêm sử dụng công nghệ mRNA như Moderna hay Pfizer, về cơ bản cải thiện khả năng chống lại Covid-19 có triệu chứng và nhiễm trùng. Dù vậy, hiệu quả này cũng giảm dần theo thời gian.
Các nghiên cứu phát hiện hiệu quả chống lại bệnh nặng nhờ mũi tăng cường có thể duy trì trong 6 tháng sau đó. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để đánh giá thời gian hiệu quả của liều tăng cường sau 6 tháng.
Một số biến chủng Omicron mới gây ra đột biến cục bộ trong các ca mắc Covid-19, nhưng sự thật là tỷ lệ nhập viện không tăng so với trước đây. Điều này cho thấy khả năng miễn dịch tự nhiên nhờ các lần mắc Covid-19 trước đó và tiêm chủng đang bảo vệ một số người khỏi mắc bệnh nặng.
Tuy nhiên, ngay cả những người mắc Covid-19 thể nhẹ hoặc không triệu chứng, đã được tiêm chủng, cũng có thể bị hội chứng Covid-19 kéo dài. Điều đó có nghĩa chỉ tiêm vaccine thôi không đủ để giảm bớt hậu quả sức khỏe lâu dài mà đại dịch gây ra. Đó cũng chính là câu hỏi lớn nhất mà chúng ta cần phải trả lời trong tình hình hiện nay.
Theo zingnews