|
|
Tức ngực, ho, thở khò khè là triệu chứng điển hình của thể hen suyễn dị ứng (Ảnh: Internet) |
Các chất gây dị ứng mùa xuân không chỉ khiến người bị hen suyễn khó thở mà còn gây ra các cơn ho, khò khè ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
1. Mùa xuân mang theo nhiều tác nhân gây hen suyễn
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng 2/3 hoặc nhiều hơn những người mắc bệnh hen suyễn cũng bị dị ứng và dạng hen suyễn phổ biến nhất cũng là hen suyễn do dị ứng. Khi mùa xuân tới, sự xuất hiện của phấn hoa và nấm mốc và cỏ trong không khí đều có khả năng gây viêm và thu hẹp đường thở của những người nhạy cảm với các tác nhân tự nhiên này khiến tình trạng dị ứng tồi tệ hơn và cơn hen suyễn cũng vì đó mà bùng phát.
Ngoài ra, mùa xuân cũng mang theo tình trạng thời tiết thất thường liên quan tới nhiệt độ, độ ẩm kết hợp với ô nhiễm không khí cũng khiến bệnh nhân hen suyễn "chật vật", nhất là trẻ nhỏ.
Các triệu chứng dị ứng mùa xuân bao gồm:
- Hắt hơi
- Sổ mũi
- Thở khò khè
- Nghẹt mũi
- Chảy nước mắt, ngứa mắt
- Ngứa miệng hoặc cổ họng
- Khó thở
- Tức ngực.
2. Nhận biết cơn ho suyễn
2.1. Cơ chế gây cơn ho suyễn (hen suyễn bị ho)
Trong khi nhiều người khi nhắc tới hen suyễn sẽ nghĩ ngay tới thở khò khè hoặc thở nặng thì hen suyễn còn gây ra các cơn ho (mãn tính) phổ biến. Theo nhiều nghiên cứu thì cơn ho mãn tính kéo dài ít nhất 8 tuần hoặc lâu hơn và ho dai dẳng là một trong những triệu chứng của hen suyễn.
Trước tiên, bạn cần hiểu ho là cách cơ thể phản xạ để loại bỏ các tác nhân lạ bao gồm cả vi khuẩn để ngăn ngừa nhiễm trùng ra khỏi cơ thể. Hen suyễn ảnh hưởng tới đường dẫn khí trong phổi, khiến chúng bị viêm và sưng. Các ống thở cũng bị ép và thít chặt hơn khi cơn suyễn xuất hiện. Điều này khiến phổi dễ bị ảnh hưởng bởi các chất gây dị ứng hoặc kích thích, chẳng hạn như phấn hoa, vẩy da thú cưng, nấm mốc hoặc mùi thơm nồng, căng thẳng, tập thể dục hoặc không khí lạnh.
Ho ở người mắc bệnh hen suyễn có thể có ích bởi đây là một trong những cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể.
Có hai dạng ho chính là ho có đờm và ho khan. Với ho có đờm, một cơn ho hen sẽ tống xuất đờm và chất nhầy ra khỏi phổi. Nhưng trong hầu hết các trường hợp bị hen suyễn, ho thường là ho khan - phản ứng xảy ra khi tiếp xúc với chất kích thích buộc các ống phế quản phải co thắt và thít lại. Chúng ta thường biết đến hiện tượng sưng viêm và co thắt đường thở gây ra ho khan - chính là đặc trưng của hen suyễn.
|
|
Ho ở người mắc bệnh hen suyễn có thể có ích bởi đây là một trong những cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể (Ảnh: Internet)
|
2.2. Các triệu chứng liên quan tới ho suyễn
Như đã nói ở trên thì ho là một triệu chứng hen suyễn phổ biến. Ở một số người thì ho đôi khi là triệu chứng nổi bật duy nhất khi mắc bệnh. Để biết ho của bạn có phải do hen suyễn hay không thì bạn cần đánh giá cùng với các triệu chứng liên quan khác:
- Tức ngực
- Thở khò khè
- Mệt mỏi hoặc ho đêm khiến bạn tỉnh giấc. Ho về đêm đa số liên quan tới bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hen suyễn và các vấn đề hô hấp khác như khí phế thũng
- Tập thể dục gặp khó khăn, hụt hơi khi vận động.
- Tình trạng kéo dài và viêm.
2.3. Các triệu chứng không liên quan tới ho suyễn
Điều quan trọng là bệnh nhân phải hiểu các triệu chứng nào không liên quan tới ho suyễn và cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu có bất kì triệu chứng nào dưới đây đi kèm với cơn ho của bạn:
- Đau tức ngực, nặng ngực
- Ho ra máu
- Sốt cao kéo dài và không đáp ứng với các biện pháp hạ sốt thông thường như uống thuốc và lau mát
- Ăn không ngon miệng, chán ăn, giảm cân bất thường
- Đổ mồ hôi đêm
- Gặp khó khăn trong nói chuyện, đi bộ ở khoảng cách ngắn do khó thở
- Mệt mỏi, yếu cơ.
3. Đối phó với cơn ho suyễn như thế nào?
- Phương pháp truyền thống
Có một số lựa chọn điều trị cho bệnh hen suyễn và chứng ho liên quan. Thuốc corticosteroid dạng hít giúp giảm viêm phổi - một trong những nguyên nhân gây ho hen. Thuốc được sử dụng lâu dài khác với corticosteroid đường uống chỉ được chỉ định trong những đợt bùng phát nghiêm trọng trong thời gian ngắn.
|
|
Thuốc hít có thể được chỉ định trước khi tập thể dục (Ảnh: Internet)
|
Thuốc hít giãn phế quản tác dụng nhanh tiện lợi, giảm đau nhanh, giúp mở rộng đường thở trong phổi.
Theo Học viện Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Hoa Kỳ thì thuốc hít giảm đau nhanh không được khuyên để thay thế thuốc kiểm soát và nên sử dụng ít hơn hai lần một tuần. Trong một số trường hợp bác sĩ cũng khuyên bạn nên sử dụng thuốc hít trước khi bạn tập thể dục hay đang bị các bệnh liên quan khác.
Nếu như bạn cảm thấy bản thân đang phụ thuộc vào thuốc hít này, hãy nói chuyện với bác sĩ để có biện pháp thay thế phù hợp.
Thuốc uống dài hạn như leukotriene cũng có thể giúp giảm ho do hen suyễn, phù hợp với các triệu chứng hen suyễn có liên quan tới viêm mũi dị ứng.
- Phương pháp điều trị thay thế
Các phương pháp điều trị thay thế này hoạt động như một biện pháp bổ sung không được khuyến nghị thay thế điều trị chính hoặc ngừng thuốc kê đơn. Một số phương pháp bạn có thể tham khảo bao gồm:
- Châm cứu
- Sử dụng các loại thảo mộc như cây thường xuân khô, bạch quả
- Thiền
- Tập thở yoga (pranayama).
Nhưng lưu ý rằng, bạn cần nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầ biện pháp điều trị bổ sung nào.
4. Phòng ngừa
Ngoài việc tuân thủ các biện pháp điều trị được chỉ định thì để giảm tuần suất cơn ho do hen suyễn bạn có thể thay đổi một số thói quen lành mạnh như:
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng, đặc biệt là phòng ngủ để giảm ho vào ban đêm
- Hạn chế tham gia các hoạt động ngoài trời nếu chất lượng không khí kém, nếu có thể, hãy tập thể dục trong nhà bởi tập thể dục hay hoạt động ngoài trời có thể làm tăng phản ứng của bạn với phấn hoa và các tác nhân khác
- Tránh các tác nhân gây dị ứng có thể kích thích đường thở khiến cơn ho tồi tệ hơn như: khói thuốc lá, hóa chất và chất tẩy rửa, không khí lạnh, thời tiết thay đổi thất thường, khói bụi, phấn hoa, da và lông thú cưng, nhiễm virus,...
Nếu như dị ứng mùa xuân khiến bệnh hen suyễn của bạn trở nên nghiêm trọng hơn thì bạn cũng cần ngăn ngừa và điều trị việc tiếp xúc với các chất gây dị ứng trước khi các triệu chứng hen suyễn được cải thiện.
+ Kiểm tra chất lượng không khí trước khi ra ngoài để biết về mật độ phấn hoa, ô nhiễm hay bất kì tác nhân nào kể trên
+ Đóng cửa sổ nhà, cửa ô tô
+ Cởi giày trước khi vào nhà
+ Tắm và gội đầu trước khi đi ngủ
+ Giặt quần áo, ga chải giường, chăn, gối, thảm bằng nước nóng và đừng quên hút bụi trong nhà, rèm cửa
- Cân nhắc tới việc tiêm phòng dị ứng nếu có - bởi dù bạn không thể chữa dứt điểm tình trạng dị ứng mùa xuân nhưng các mũi tiêm này có thể đem lại một số lợi ích
- Không hút thuốc và tránh xa người hút thuốc.
Nhìn chung, không có nghiên cứu khoa học nào cho thấy có những biện pháp tự nhiên như dùng trà, cà phê chứa caffein để dễ thở hơn hay như sử dụng tinh dầu khuynh diệp, oải hương để cải thiện tình trạng hen suyễn hay ho do hen. Các nhà khoa học cho biêt các biện pháp này cần nhiều bằng chứng hơn để có thể kết luận chính xác về tác động của chúng.
Châu Anh - Nguồn: Healthline