Tỉ lệ tử vong trẻ em chênh lệch lớn giữa vùng miền

Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu, khóa XII đã xác định đến năm 2030 giảm tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 15‰. Như vậy, Việt Nam sẽ phải nỗ lực hơn nữa cả về đầu tư nguồn lực cũng như các can thiệp chuyên môn phù hợp để đạt chỉ tiêu hạ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi

Cũng như các nước thu nhập thấp và trung bình khác, các can thiệp nhằm mục tiêu giảm tử vong trẻ em (TVTE) đang gặp một số thách thức lớn. Đó là sự khác biệt về tình trạng sức khỏe và TVTE giữa các vùng miền, tử vong sơ sinh (TVSS) giảm chậm và nguy cơ của một số dịch bệnh bùng phát trở lại.

Còn có sự chênh lệch rất lớn (gần 3 lần) về tử vong trẻ dưới 5 tuổi giữa các vùng núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với các vùng thành thị và đồng bằng của Việt Nam. Số liệu của Tổng điều tra dân số mới nhất năm 2019 cho thấy, sau 4 năm tổng kết MDGs, TVTE dưới 5 tuổi là 21‰ (chỉ giảm được 1,1‰) với sự khác biệt lớn giữa nông thôn (25,1‰) và thành thị (12,3‰).

Tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở các tỉnh miền núi phía Bắc (31,5‰) và Tây Nguyên (35,5‰) cao gấp gần ba lần so với vùng Đông Nam Bộ (12,7‰) và gấp đôi so với vùng Đồng bằng sông Hồng (16,5‰)

Gánh nặng về TVSS là một thách thức lớn trong các can thiệp về giảm TVTE: So với thập kỷ trước, TVSS đã giảm nhiều. Tuy nhiên, số liệu của Bộ Y tế cũng như nhiều nghiên cứu, báo cáo quốc tế cho thấy TVSS đang chiếm tới hơn 70% số tử vong trẻ dưới 1 tuổi và hơn 50% số tử vong trẻ dưới 5 tuổi.

Các can thiệp cần thiết giảm tử vong trẻ em - Ảnh 2.

Các bằng chứng từ nhiều nghiên cứu cho thấy phần lớn tử vong ở trẻ sơ sinh do các nguyên nhân đều có thể phòng tránh được nếu như các can thiệp cứu sống trẻ sơ sinh được áp dụng có hiệu quả ở cả cộng đồng và cơ sở y tế.

Vì vậy, giảm TVSS cần được đặt ở vị trí ưu tiên hàng đầu trong các can thiệp giảm TVTE. Chỉ số TVSS đến nay vẫn chưa có trong Niên giám thống kê của Bộ Y tế, vì thế không có số liệu báo cáo hàng năm. Theo điều tra mới nhất đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ (MICS) 2014 của Tổng cục Thống kê và UNICEF cho kết quả tỷ suất TVSS vào khoảng 12‰ giai đoạn 2010 – 2014.

Nguyên nhân tử vong chính của trẻ sơ sinh ở Việt Nam cũng giống như ở các nước đang phát triển khác chủ yếu vẫn là ngạt, đẻ non/nhẹ cân, nhiễm khuẩn và dị tật. Các bằng chứng từ nhiều nghiên cứu cho thấy phần lớn tử vong ở trẻ sơ sinh do các nguyên nhân trên đều có thể phòng tránh được nếu như các can thiệp cứu sống trẻ sơ sinh được áp dụng có hiệu quả ở cả cộng đồng và cơ sở y tế.

Nghiên cứu của Bệnh viện Nhi trung ương tổng kết về các nguyên nhân phổ biến gây TVTE giai đoạn 2013 - 2017 cho thấy chưa có thay đổi nhiều trong mô hình bệnh tật, tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi so với giai đoạn trước đó. Số trẻ em tử vong nhiều nhất vẫn là ở giai đoạn sơ sinh. Giai đoạn từ 1 tháng – 5 tuổi, nguyên nhân chính gây tử vong vẫn là các bệnh về hô hấp, tuần hoàn, nhiễm khuẩn và dị tật bẩm sinh.

Một nguyên nhân quan trọng nữa gây TVTE dưới 5 tuổi là tai nạn, thương tích. Thống kê hàng năm cho thấy TVTE do tai nạn, thương tích thường chiếm từ 20 - 25% tổng số tử vong chung của trẻ em dưới 5 tuổi. Nguyên nhân chính của tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em là Đuối nước; Tai nạn giao thông và Tại nhà (hóc thức ăn, ngã, ngộ độc, điện giật, bỏng).

Các can thiệp giảm tử vong trẻ em

Kết quả của nhiều nghiên cứu can thiệp khẳng định rằng các nước hoàn toàn có thể giảm được hơn một nửa số TVTE bằng các biện pháp đơn giản, không tốn kém và thực hiện được ở cả những nơi có nguồn lực hạn chế. Củng cố hệ thống chăm sóc y tế hỗ trợ các can thiệp chắc chắn sẽ mang lại cơ hội sống cho nhiều trẻ em.

Các can thiệp ưu tiên cần tập trung cho các vùng miền núi khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giảm sự cách biệt về tình trạng sức khỏe, tử vong ở trẻ em sẽ đẩy nhanh tốc độ giảm TVTE trong toàn quốc. Can thiệp giảm TVTE, tập trung vào nhóm dễ bị tổn thương nhất là trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 5 tuổi nhằm đảm bảo quyền được sống và phát triển khỏe mạnh.

Tập trung ưu tiên can thiệp ở những vùng có tỷ suất TVTE cao nhằm đẩy nhanh tốc độ giảm tử vong, thu hẹp khoảng cách trong chăm sóc y tế, bảo đảm sự công bằng cho trẻ em, phấn đấu đạt Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030.

Chiến lược lâu dài và bền vững trong giảm TVTE cần áp dụng phương pháp tiếp cận chăm sóc liên tục theo vòng đời (từ khi bà mẹ mang thai, sinh đẻ đến khi trẻ được 5 tuổi) và chăm sóc liên tục theo địa điểm (từ gia đình, cộng đồng đến cơ sở y tế). Can thiệp giảm TVTE dưới 5 tuổi sẽ bao gồm 3 giai đoạn với một số đặc thù riêng.

Can thiệp giảm tử vong sơ sinh: Đã có nhiều nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách phân tích các khó khăn trở ngại trong hệ thống y tế đối với chăm sóc trẻ sơ sinh đồng thời đưa các chiến lược can thiệp phù hợp nhằm bảo đảm sự sống cho trẻ sơ sinh.

Các can thiệp cần thiết giảm tử vong trẻ em - Ảnh 3.

Kết quả của nhiều nghiên cứu can thiệp khẳng định rằng các nước hoàn toàn có thể giảm được hơn một nửa số TVTE bằng các biện pháp đơn giản.

Gói can thiệp đã được chứng minh có hiệu quả nhất là chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau sinh; chăm sóc thiết yếu sớm cho bà mẹ và trẻ sơ sinh; chăm sóc trẻ đẻ non/nhẹ cân bằng phương pháp Kangaroo; cấp cứu và chăm sóc kịp thời trẻ sơ sinh bệnh. Ngoài ra cũng cần chú ý một số yếu tố hỗ trợ can thiệp hiệu quả như nâng cao kiến thức, thực hành cho cán bộ y tế về chăm sóc sơ sinh tại cuộc đẻ, hồi sức đúng, chăm sóc đặc biệt cho trẻ đẻ non/nhẹ cân đồng thời với sự hỗ trợ của lãnh đạo cơ sở y tế và ưu tiên kinh phí cho chăm sóc sơ sinh.

Tập trung phòng ngừa các nguyên nhân chính gây TVSS là can thiệp được cho là rất hiệu quả. Nếu tăng cường chăm sóc trước, trong và sau sinh sẽ giảm được 71% số tử vong sơ sinh. Các can thiệp đều là những chăm sóc cơ bản, không đòi hỏi các kỹ thuật cao và có thể thực hiện được ở những địa bàn khó khăn với chi phí khoảng 1,15 USD/phụ nữ.

Can thiệp tại cơ sở y tế tốn kém hơn, chiếm 64% tổng số kinh phí nhưng hiệu quả giảm tử vong sơ sinh là cao nhất: giảm 41% trẻ tử vong tại cuộc đẻ, giảm 30% tử vong do đẻ non.

Việt Nam cũng đã và đang tiếp tục áp dụng cách tiếp cận chăm sóc liên tục trong các can thiệp giảm TVSS. Việc phối hợp chặt chẽ các can thiệp tại gia đình, cộng đồng với các can thiệp chăm sóc khi chuyển tuyến đồng thời với các nỗ lực cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sơ sinh tại các tuyến y tế là giải pháp quan trọng có tính chất quyết định để đạt mục tiêu giảm tử vong sơ sinh; trong đó cần đặc biệt chú ý cải thiện chăm sóc trước sinh, bảo đảm mọi cuộc đẻ được an toàn và thực hiện đúng các hướng dẫn lâm sàng về chăm sóc sơ sinh, đặc biệt ưu tiên cho vùng khó khăn, vùng núi cao.

Các can thiệp giảm TVTE dưới 5 tuổi bao gồm tiêm chủng, bổ sung Vitamin A, nuôi con bằng sữa mẹ, nuôi dưỡng trẻ nhỏ, lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh (IMCI), phòng chống tai nạn thương tích.... Điều tra MICS đã chỉ ra sự khác biệt về tử vong trẻ em ở các vùng có liên quan chặt chẽ đến độ bao phủ của các can thiệp trên. Cụ thể ở Tây nguyên, vùng núi phía Bắc có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn và tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao hơn thì tử vong ở trẻ cũng cao hơn so với các vùng khác cũng như so với mức trung bình của toàn quốc.

Tóm lại, các can thiệp giảm tử vong trẻ em không đòi hỏi đầu tư quá tốn kém mà hầu hết đều có thể thực hiện được ở nhiều địa bàn, ngay cả ở những vùng nghèo, khó khăn. Can thiệp liên tục từ khi bà mẹ mang thai, sinh đẻ, sau đẻ và đến khi trẻ 5 tuổi chắc chắn sẽ cứu sống hàng triệu trẻ hàng năm. Thực hiện can thiệp tại cộng đồng, bảo đảm an toàn khi chuyển tuyến và nâng cao chất lượng khám, điều trị tại cơ sở y tế là những yếu tố cơ bản quyết định sự thành công của các can thiệp giảm tử vong trẻ em.

(Theo Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030 của Bộ Y tế)

Theo suckhoedoisong.vn