Độc tố những chất hóa học gây hại cho sức khỏe cơ thể. Chúng tích tụ nhiều khiến cơ thể bị nhiễm độc, làm phát sinh các bệnh tật đặc biệt là các bệnh mạn tính như ung thư, gout, tiểu đường, tim mạch…
Phân loại độc tố
Độc tố được chia thành hai loại:
- Ngoại độc tố: Là những độc tố xâm nhập vào cơ thể chúng ta từ môi trường như khói xe, khói thuốc, bụi mịn, khói công nghiệp, đồ ăn, thức uống.
- Nội độc tố: Những độc tố cơ thể tự sản sinh trong quá trình đồng hóa, điển hình như các gốc tự do có hại, các nội tố độc tố sản sinh ra trong ruột các vi khuẩn phân hủy thức ăn.
Các biểu hiện khi cơ thể tích tụ độc tố
- Rối loạn tiêu hóa: Đây là triệu chứng thường gặp nhất, chiếm 60 – 80% các trường hợp, với các dấu hiệu như chán ăn, chướng bụng, đầy hơi, đau bụng, ăn không tiêu; nặng hơn có thể là buồn nôn và nôn, sợ thịt, sợ mỡ, tiêu chảy hay táo bón.
Đặc biệt, rối loạn tiêu hóa cho suy giảm chức năng gan, gan nhiễm độc sẽ có những biểu hiện tương tự như rối loạn tiêu hóa nên thông thường hay bị xem thường và không được điều trị đúng nguyên nhân.
- Nổi mụn nhọt, mẩn ngứa, mề đay: Tổn thương gan giai đoạn sớm do hiện tượng gan nhiễm độc có thể biểu hiện trên da thông qua các dấu hiệu như mụn nhọt, mẩn ngứa, mề đay… Hiện tượng này là do khi gan nhiễm độc, chức năng gan suy giảm dẫn đến việc thải độc cơ thể không còn hiệu quả, chất độc tích tụ lại trong cơ thể lâu ngày, sẽ gây kích ứng da, tạo điều kiện thuận lợi cho mụn nhọt, mẩn ngứa, mề đay khi gặp các yếu tố khác từ bên ngoài như uống bia rượu, ăn quá no, cọ xát vùng da, thay đổi thời tiết.
- Hay đổ mồ hôi: Khi phải làm việc hết công suất cộng với việc bị nhiễm độc, chức năng hoạt động của gan sẽ bị giảm sút đi trông thấy, gây ra tình trạng nóng gan. Dấu hiệu để nhận biết trong thường hợp này là thường xuyên cảm thấy nóng trong người, đổ mồ hôi nhiều dù nhiệt độ môi trường mát mẻ, không quá nóng bức.
- Đau nhức cơ khớp: Vùng cơ và khớp của bạn có thể cũng đang bị nhiễm độc tố nếu xuất hiện tình trạng đau nhói cơ khớp thường xuyên. Do đó, bạn nên tạm dừng việc tập luyện lại và sinh hoạt lành mạnh, điều độ hơn cho đến khi cơ thể trở về trạng thái ổn định.
- Tâm trạng chán nản, uể oải, khó tập trung: Nếu thấy tâm trạng mình có dấu hiệu đi xuống, thường xuyên lo âu, căng thẳng và không tập trung được trong công việc gì thì bạn nên xem lại chế độ ăn của mình ngay. Cơ thể hấp thu kém do nhiễm độc tố dẫn đến thiếu dưỡng chất cần thiết và lâu dài sẽ ảnh hưởng tới tâm trạng của chính họ.
- Táo bón nhiều ngày: Khi bị táo bón, độc tố sẽ ứ đọng lại và không thể đi qua ruột già để thoát ra ngoài. Tình trạng này nếu diễn ra quá lâu mà không chữa trị thì bạn còn có thể gặp phải hiện tượng mệt mỏi, đau đầu vì chất độc thấm ngược lại vào cơ thể. Vì vậy, hãy bổ sung thêm nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ từ rau củ quả để giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn.
- Sạm da, nám, tàn nhang: Khi cơ thể bị nhiễm độc đồng nghĩa với việc gan của bạn cũng không được khỏe, khả năng đào thải của cơ thể kém dẫn đến tình trạng mệt mỏi, uể oải, mất ngủ…, sẽ khiến làn da nhanh chóng lão hóa, xuất hiện các đốm nâu, da sạm, không đều màu. Đây là một trong những biểu hiện của độc tố khi không có cách đào thải khỏi cơ thể.
Một số cách giúp thải độc cho cơ thể
Để loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể, bạn có thể áp dụng một số cách đơn giản nhưng hiệu quả dưới đây:
- Sử dụng thực phẩm hỗ trợ thải độc: Một số thực phẩm có khả năng thải độc cực tốt mà bạn nên đưa vào thực đơn hằng ngày bao gồm: Dứa, bưởi, cam, chanh, hành tây, tỏi, đặc biệt là các loại rau họ cải (bông cải xanh, cải ngọt, cải ngồng,...).
- Tích cực vận động, rèn luyện thân thể: Đa phần các độc tố đều có khả năng bài xuất qua da thông qua con đường bài tiết mồ hôi khi vận động mạnh. Vậy nên luyện tập tích cực cũng là một cách hay để bạn đẩy mạnh chuyển hóa vật chất và mở đường cho hành trình đào thải độc tố ra khỏi cơ thể.
- Xông hơi thải độc: Trong quá trình xông hơi, sự tiếp xúc với khí nóng sẽ khiến mạch máu dưới da giãn nở mạnh, tuần hoàn máu tăng nhanh và mồ hôi được bài xuất với cường độ cao. Khi đó độc tố cũng đi theo mồ hôi để thoát ra ngoài. Và để tối ưu hiệu quả thanh lọc, bạn nên cho vào nước xông các loại lá, củ có nhiều tinh dầu như bưởi, sả, gừng, tía tô, hương nhu, bạc hà,...
- Uống nhiều nước: Vì hoạt động thải độc chủ yếu được thực hiện qua con đường bài tiết (mồ hôi và nước tiểu) nên uống nhiều nước sẽ giúp hỗ trợ tích cực vào quá trình này. Theo đó, lượng nước lý tưởng mà bạn nên dùng mỗi ngày trong giai đoạn thải độc là 2 - 2,5 lít.
Theo suckhoedoisng.vn