leftcenterrightdel
Các dấu hiệu của bệnh viêm màng ngoài tim. Đồ hoạ: Thiện Nhân 

 

Viêm màng ngoài tim là gì?

Viêm màng ngoài tim là tình trạng lớp màng bao quanh tim bị viêm, thường gặp ở nam giới trong độ tuổi 20 - 50.

Màng ngoài tim là một túi kín bao bọc quanh tim và phủ lên các gốc mạch máu lớn đi ra từ tim. Màng ngoài tim gồm hai thành phần là lá thành và lá tạng. Lá thành (ngoại tâm mạc) là lớp túi xơ bên ngoài. Lá tạng (thượng tâm mạc) là lớp tiếp xúc trực tiếp với cơ tim. Hai lớp này tạo thành một khoang kín gọi là khoang màng ngoài tim. Bình thường, khoang màng ngoài tim chứa khoảng 30 - 50ml dịch.

Trên thực tế, màng ngoài tim không ảnh hưởng đến chức năng tim. Nhưng nó có một số vai trò như cố định tim trong lồng ngực, bảo vệ tim trong trường hợp buồng tim giãn đột ngột, làm chậm lây lan nhiễm trùng từ phổi và điều hòa hoạt động nhịp nhàng của hai nửa trái tim.

Khi màng ngoài tim bị viêm, nó có thể dẫn đến việc dịch bám vào màng ngoài tim, gây ra tình trạng tràn dịch màng ngoài tim và có thể gây ép trái tim. Tình trạng này làm cho màng trở nên dày và cứng, hạn chế khả năng giãn của buồng tim, làm tăng áp lực tĩnh mạch ngoại vi và gây suy giảm chức năng của trái tim.

Các triệu chứng thường gặp của viêm màng ngoài tim

Tiến sĩ Ravindranath Reddy, Trưởng khoa và Cố vấn cao cấp, Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Gleneagles, BGS, Kengeri, Bengaluru (Ấn Độ) - cho biết: “Các triệu chứng của viêm màng ngoài tim có thể khác nhau ở mỗi người, nhưng có một số dấu hiệu đặc trưng thường liên quan đến tình trạng này”.

Đau ngực: Đây là triệu chứng thường gặp nhất của viêm màng ngoài tim, thường được mô tả là đau nhói ở giữa hoặc bên trái ngực. Tình trạng đau có thể nặng hơn khi hít thở sâu, ho hoặc nằm xuống, bệnh nhân thường thấy dễ chịu hơn khi ngồi dậy hoặc nghiêng người về phía trước.

Khó thở: Bệnh nhân có thể gặp khó khăn khi thở, đặc biệt là khi nằm thẳng.

Sốt: Sốt nhẹ có thể đi kèm với viêm màng ngoài tim, biểu hiện quá trình viêm của cơ thể.

Mệt mỏi và khó chịu: Nhiều bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi và khó chịu, nguyên nhân có thể là do phản ứng viêm của cơ thể.

Đánh trống ngực: Một số người bệnh sẽ có cảm giác tim đập nhanh hoặc nhịp tim không đều.

Điều trị viêm màng ngoài tim

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID, chẳng hạn như ibuprofen hoặc aspirin, thường là phương pháp điều trị để giảm đau và giảm viêm liên quan đến viêm màng ngoài tim.

Colchicine: Thuốc này có thể được sử dụng với NSAID để giảm nguy cơ tái phát và cải thiện các triệu chứng.

Corticosteroid: Có thể được kê đơn nếu NSAID và colchicine không có tác dụng giảm đau. Tuy nhiên, chúng thường được dành riêng cho những bệnh nhân mắc các bệnh tự miễn hoặc các triệu chứng nghiêm trọng do có khả năng gây ra tác dụng phụ.

Kết luận

Tiến sĩ Reddy nhấn mạnh: “Viêm màng ngoài tim có thể là một tình trạng đau đớn với nhiều triệu chứng khác nhau có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Chẩn đoán và điều trị sớm là điều cần thiết để làm giảm các triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng. Với sự can thiệp kịp thời có thể giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe và trở lại các hoạt động bình thường”.

Theo laodong