Thái độ nghi ngại này được cho là xuất phát từ hàng thập kỷ bị lạm dụng trong công đồng y dược của người gốc Phi - Ảnh: AP
Vào tháng 9, bà Tina Pollard, một người phụ nữ gốc Phi 52 tuổi, và chồng đã dương tính với COVID-19. Đối với Pollard, hậu quả từ căn bệnh này đã "thay đổi cuộc sống của bà hoàn toàn".
Mặc dù vẫn tiếp tục chịu đựng những triệu chứng như nhức đầu, cảm sốt, ho và thở dốc, bà Pollard nói với Business Insider rằng bản thân không muốn tham gia thử nghiệm vắcxin COVID-19.
"Cho đến khi tôi biết chắc ai đó nhìn giống tôi, có khả năng đối mặt với những vấn đề sức khỏe như tôi, đã thử vắcxin, tôi mới cân nhắc việc này. Còn bây giờ, tôi không muốn đưa bất cứ thứ gì vào người mà chưa biết nó có tác dụng hay không", bà Pollard nói.
Theo Business Insider, số người người Mỹ gốc Phi tử vong vì COVID-19 đang rất cao. Các quan chức y tế tại Mỹ cho rằng vấn đề nằm ở bệnh nền.
Tuy nhiên, một số thành viên trong cộng đồng người gốc Phi tỏ ra nghi hoặc đối với các loại vắcxin. Thái độ nghi ngại này được cho là xuất phát từ hàng thập kỷ bị lạm dụng trong công đồng y dược của người gốc Phi.
Sự dè dặt được thể hiện rõ rệt trong giai đoạn thứ 3 của thử nghiệm lâm sàng đối với vắcxin COVID-19. Giai đoạn này đòi hỏi một số lượng rất lớn tình nguyện viên tham gia để xác định tính hiệu quả của vắcxin.
Thế giới hiện có 176 loại vắcxin COVID-19 đang được phát triển và chỉ tầm một chục trong đó đã tiến tới giai đoạn 3.
Việc phân tích theo nhân khẩu học của tất cả thử nghiệm vẫn chưa được công bố. Dù vậy, ít nhất 2 hãng dược đã cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự đa dạng chủng tộc trong số những tình nguyện viên.
Hôm 28-9, hãng dược Pfizer cho biết chỉ 9% trong số người tham gia thử nghiệm vắcxin COVID-19 của họ tại Mỹ là người gốc Phi.
Hãng dược Moderna, nơi đang phát triển một loại vắcxin khác cùng Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID), cũng đang nỗ lực để lấp đầy khoảng cách này. Hãng đã công bố phân tích chủng tộc của một nghiên cứu có 30.000 người tham gia của mình. Tính đến tuần cuối cùng của tháng 8, người Mỹ gốc Phi chỉ chiếm 9% số người đăng ký. Cho đến cuối tháng 9, con số này đã tăng lên 30%.
Theo Business Insider, người Mỹ gốc Phi ít tham gia các cuộc thử nghiệm như trên vì nghi ngại đối với giới y bác sĩ.
Cộng đồng này đã bị ép buộc trở thành người bị thí nghiệm trong thời kỳ nô lệ. Điển hình là trường hợp của bác sĩ James Marion Sims, người đã thực hiện các thí nghiệm sức khỏe sinh sản trên người của các nô lệ nữ mà không dùng chất gây tê.
"Điều đầu tiên và trước nhất bạn phải hiểu về ý nghĩa lịch sử cùng trải nghiệm của người Mỹ gốc Phi về vấn đề y dược. Tôi cho rằng người Mỹ gốc Phi không tin vào một hệ thống y tế thiếu tin cậy vì đó là trải nghiệm của quá nhiều người như họ tại đất nước này", bác sĩ Ala Stanford - người thành lập Tổ chức Bác sĩ gốc Phi COVID-19, giải thích.
Theo tuoitre