Các hóa chất “vĩnh cửu” làm giảm khả năng sinh sản của phụ nữ
Cập nhật lúc 23:59, Thứ hai, 27/03/2023 (GMT+7)
Các hóa chất này có nhiều trong các sản phẩm tiêu dùng, gồm lớp phủ chống dính và chống bẩn.
Nghiên cứu mới do các nhà khoa học từ Trường Y khoa Icahn (Mount Sinai, Mỹ) dẫn đầu - được đăng trên Tạp chí Science of the Total Environment - đã chỉ ra sự liên kết nồng độ các chất perfluoroalkyl trong huyết tương với sự gia tăng nguy cơ khó mang thai. Các hợp chất đơn hoặc đa fluoroalkyl (PFAS) - còn được gọi là “các hóa chất vĩnh cửu” - do khả năng tồn tại lâu dài trong môi trường. Chúng có nhiều ứng dụng trong các sản phẩm tiêu dùng, gồm lớp phủ chống dính và chống bẩn.
Tác giả chính của nghiên cứu, nhà dịch tễ học môi trường Damaskini Valvi cho biết: “Trước đây, nhiều công trình đã chứng minh PFAS có thể phá vỡ các hoóc môn sinh sản và liên quan đến việc dậy thì muộn. Chúng cũng làm tăng nguy cơ lạc nội mạc tử cung và hội chứng buồng trứng đa nang. Nghiên cứu của chúng tôi bổ sung thêm việc PFAS có thể làm giảm khả năng sinh sản ở những phụ nữ trông khỏe mạnh và đang cố gắng thụ thai tự nhiên”.
Một thử nghiệm của nghiên cứu đã đo nồng độ các loại PFAS khác nhau trong huyết tương của 382 phụ nữ tại Singapore, so sánh chúng với các phép đo thời gian mang thai và khả năng mang thai, cũng như tỉ lệ sinh con khỏe mạnh. Khi chia đều số người tham gia vào 4 nhóm dựa trên mức phơi nhiễm PFAS tăng dần, các tác giả nhận thấy khả năng sinh sản giảm khoảng 5 - 10% giữa nhóm phơi nhiễm PFAS ít nhất và nhóm liền kề. Con số tương ứng mức giảm trung bình 30 - 40% khả năng mang thai hoặc sinh con trong vòng 1 năm theo dõi.
Đồng tác giả Nathan Cohen - nhà khoa học môi trường tại Trường Y khoa Icahn - nói: “Công trình của chúng tôi có thông điệp mạnh mẽ rằng những phụ nữ đang có kế hoạch mang thai nên nhận thức được tác hại của PFAS và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh tiếp xúc với loại hóa chất này”.