Theo thông tin từ Sở Y tế TPHCM sáng 23/11, trước đó, Sở Y tế cùng 3 bệnh viện nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã có cuộc họp để đánh giá nguyên nhân số ca viêm hô hấp cấp tính ở trẻ em gia tăng trong những tháng gần đây. Bước đầu nhận định, virus vẫn là nguyên nhân chính gây nên bệnh cảnh viêm hô hấp cấp tính.

Theo đó, để đánh giá sự gia tăng số lượng ca viêm hô hấp cấp tính ở trẻ em trong những tháng gần đây, các đơn vị đã thu thập mẫu bệnh phẩm ở các bệnh viện nhi tại TPHCM để xét nghiệm. 

Bệnh nhi điều trị tại khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM
Bệnh nhi điều trị tại khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM

 

Kết quả, họ Enterovirus và Human Rhinovirus chiếm ưu thế. Kế đến gồm các virus cúm (influenza) và á cúm (parainfluenza), virus hô hấp hợp bào (RSV), cùng một số loại vi khuẩn (H. Influenza, Strep. pneumonia và Mycoplasma pneumonia). Các chuyên gia nhận định đây là tác nhân gây bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ em trong nhiều năm qua, được ghi nhận tại Việt Nam và trên thế giới.

Tính đến hiện tại, phần lớn ca bệnh đều nhẹ, có thể điều trị ngoại trú, các bệnh cảnh viêm phổi thường gặp trên người bệnh có ít nhất 1 bệnh lý nền như tim bẩm sinh, bại não, xuất huyết não, teo đường mật, suy giảm miễn dịch, bệnh phổi mạn, lupus ban đỏ hệ thống, suy dinh dưỡng…

Sở Y tế cho hay, viêm hô hấp cấp tính là bệnh phổ biến thường gặp nhất ở trẻ em, diễn tiến theo mùa ở nước ta và nhiều nước trên thế giới, thường tăng cao vào tháng 10-12 hàng năm. 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, mặc dù số ca đến khám tại các cơ sở y tế có gia tăng trong những tháng cuối năm 2023, nhưng hệ thống giám sát chưa ghi nhận các ổ dịch viêm hô hấp tại các trường học trong những tháng gần đây. Như vậy, các trường hợp mắc bệnh đợt này chủ yếu là trẻ nhỏ.

“Do có nhiều tác nhân virus khác nhau đều có thể gây bệnh viêm hô hấp nên một trẻ có thể bị mắc bệnh nhiều lần. Trong đó, virus cúm đã có vắc xin dự phòng, người lớn cần tiêm ngừa cho trẻ để phòng bệnh” - Sở Y tế thông tin.

Để phòng bệnh viêm hô hấp cho trẻ em nói riêng và cho cả cộng đồng nói chung, Sở Y tế khuyến cáo mọi người nên rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng; luôn luôn che miệng, mũi khi ho hay hắt hơi.

Ngoài việc tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng, khuyến khích tiêm các vắc xin cúm, phế cầu nếu có điều kiện. Trẻ em có bệnh lý nền cần được theo dõi, điều trị ổn định để giảm thiểu nguy cơ chuyển nặng khi bị viêm đường hô hấp.

Người lớn, đặc biệt là phụ nữ có thai, người già và người có bệnh lý nền, cần tiêm vắc xin cúm hàng năm.

Người đang có các triệu chứng viêm đường hô hấp nên mang khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và người có bệnh lý nền.

Giữ ấm cơ thể, duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối, bổ sung dinh dưỡng hợp lý theo tuổi. Với trẻ nhũ nhi, nên cho bé bú sữa mẹ.

Giữ gìn nhà cửa sạch thoáng cũng góp phần phòng bệnh viêm hô hấp cấp.

Theo phụ nữ TPHCM