leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Vitamin A

Vitamin A là “vị thuốc” cho đôi mắt. Vitamin A trong chế độ ăn của người tiểu đường giúp đôi mắt bệnh nhân tiếp nhận ánh sáng, có thể nhìn thấy rõ sự vật trong bóng tối. Bên cạnh đó vitamin A còn giúp bảo vệ da và các mô khác khỏi bị nhiễm trùng. 

Vitamin B

Vitamin B gồm Biotin, Choline, Axit folic, Niacin, Axit pantothenic, B1, B2, B6 và B12. Chúng liên quan đến quá trình chuyển hoá chất bột đường, chất béo, đạm và sản xuất năng lượng.

Vitamin B6 là một số các vitamin thuộc nhóm B có tác dụng duy trì chức năng gan, chức năng thần kinh và trao đổi chất cho cơ thể. Đồng thời, vitamin B6 góp phần giảm stress, duy trì chức năng não, bảo vệ tim mạch và tăng cường sức đề kháng. Những người bị xơ vữa động mạch có thể bổ sung vitamin B6 để giảm lượng cholesterol trong máu.

Những người theo chế độ ăn thuần chay nếu không bổ sung chất dinh dưỡng có nguồn gốc từ động vật và vitamin sẽ có xu hướng bị thiếu hụt B12 dẫn đến chứng thiếu máu.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng người bệnh chỉ nên bổ sung các vitamin nhóm B khi có chỉ định từ bác sĩ.

Vitamin C

Vitamin C là chất quan trọng để tăng cường hệ miễn dịch. Nó giúp giữ mao mạch và thành mạch máu vững chắc. Tiêu thụ vitamin C còn giúp cơ thể hấp thụ tốt sắt, bổ máu.

Bên cạnh đó, vitamin C còn có công dụng trong việc bảo vệ tế bào trong cơ thể, ngăn chặn sự phát triển của các bệnh lý do stress oxy, ngăn ngừa nguy cơ tổn thương mạch máu do tiểu đường hoặc rối loạn chức năng nội mô gây ra.

Vitamin D

Theo nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), vitamin D có thể giúp giảm kháng insulin (một loại hormone cho phép cơ thể sử dụng lượng đường trong máu bình thường). Người mắc tiểu đường type 2 có lượng vitamin D thấp có thể kiểm soát đường huyết kém hơn. Bổ sung vitamin D giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.

Vitamin D có thể được tìm thấy trong gan bò, cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá thu), lòng đỏ trứng, nấm, các sản phẩm từ sữa và ngũ cốc. Vitamin D cũng được cơ thể sản xuất thông qua tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.

Vitamin E

Vitamin E giúp chống oxy hóa, bảo vệ tốt tế bào khỏi bị hư hại. Tuy nhiên vitamin E lại không có nhiều ở thực phẩm tự nhiên. Vậy nên người bị tiểu đường nên bổ sung chúng bằng các thực phẩm chức năng giàu vitamin E.

Tuy nhiên, nếu người bệnh đang dùng thuốc chống đông máu hay làm loãng máu, cần cung cấp thông tin cho bác sĩ trước khi sử dụng thêm vitamin E vì điều này có thể gây nên những phản ứng phụ không mong muốn.

Magie

Mức magie thấp làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường. Bổ sung magie ở người mắc tiểu đường type 2 có thể cải thiện mức đường huyết lúc đói, sau bữa ăn cũng như độ nhạy của insulin. Các nhà nghiên cứu của Đại học Khoa học Y khoa Isfahan (Iran) cũng chỉ ra, người bệnh tiểu đường type 2 bổ sung magie trong 12 tuần có thể cải thiện mức huyết áp và có nguy cơ mắc một số loại đột quỵ thấp hơn người dùng giả dược.

Một số nguồn thực phẩm giàu khoáng chất magie như chuối, đậu đen, ngũ cốc, các loại hạt (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng, hạt chia), bí ngô, cá hồi, sữa đậu nành và rau bina. 

Theo tieudung.kinhtedothi