Được quảng cáo là thuốc thay thế và ít độc hại hơn thuốc lá truyền thống, nhiều người trẻ sử dụng thuốc lá điện tử tin rằng nó vô hại. Nhưng thực tế lại khác, nhiều trường hợp trẻ em đã mắc bệnh phổi và chấn thương nghiêm trọng. Tại Mỹ, hiện có hơn 2,6 triệu thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử thường xuyên. Năm 2020, đã có 68 người chết vì tổn thương phổi liên quan đến thuốc lá điện tử.
|
Rất nhiều tác hại do thuốc lá điện tử gây ra đối với người sử dụng |
Các quan chức y tế của Anh thì cảnh báo rằng, đại dịch của giới trẻ hiện nay là lạm dụng thuốc lá điện tử và nhiều người trẻ cũng đã nhập viện vì những tác dụng phụ của nó. Tại Úc, những năm gần đây, số người trẻ hút thuốc lá điện tử trong trường học đang bùng nổ. Thậm chí, hồi tháng Ba, một cậu bé năm tuổi phải nhập viện cấp cứu khi hít phải khói thuốc lá điện tử có mùi nho do một người bạn bảy tuổi mang theo.
Các cơ quan nghiên cứu y, sinh học Mỹ cảnh báo, hương liệu và các chất phụ gia, tinh dầu sử dụng cho thuốc lá điện tử gây tổn thương phổi cấp tính, ngộ độc, bỏng, co giật và việc sử dụng chúng dẫn đến nghiện. Đáng chú ý, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã từng công bố một báo cáo cho thấy, thuốc lá điện tử không giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống mà thậm chí, còn khiến người dùng nghiện nicotine.
Theo Yvette van der Eijk - trợ lý giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, Đại học Quốc gia Singapore - nicotine thu hẹp các mạch máu, có thể gây ra bệnh tim. Nó có tác dụng trao đổi chất có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Và nó cũng ngăn chặn hệ thống miễn dịch và hoạt động như một chất thúc đẩy khối u… Nhiều chất lỏng trong thuốc lá điện tử có chứa chất gây ung thư như formaldehyde, acetaldehyde, và các kim loại nặng như niken, thiếc, chì rò rỉ từ thiết bị xông hơi.
Trong một nghiên cứu ở Mỹ vừa được công bố vào cuối tháng 10 cho thấy, việc hút thuốc lá điện tử cũng có thể gây tổn thương tim. Trưởng nhóm nghiên cứu - tiến sĩ Alex Carll, trợ lý giáo sư tại Đại học Louisville - cho biết: “Phát hiện của chúng tôi chứng minh việc tiếp xúc với thuốc lá điện tử trong thời gian ngắn có thể làm mất ổn định nhịp tim”.
Đứng trước thực tế về những tác hại khó lường từ vape, nhiều quốc gia đã đẩy mạnh những quy định kiểm soát chặt chẽ. Nhiều quốc gia đã cấm sử dụng vape như: Bỉ, Áo, Argentina, Brazil, Colombia, Mexico, Uruguay, Venezuela, Panama, Indonesia, Jordan, Malaysia, Tajikistan, Thái Lan, Oman, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Brunei, Ai Cập, UAE... Ở đó, những hoạt động ngầm, mua bán chui thuốc lá điện tử bị xử phạt nặng.
Những nước cho phép sử dụng thì bắt đầu kiểm soát các hóa chất được sử dụng trong thuốc, đặc biệt là những mùi hương khiến giới trẻ “say đắm”. Đầu năm 2021, Hà Lan cấm bán thuốc lá có mùi hương. Cuối năm 2021, Mỹ cấm bán hơn 55.000 sản phẩm thuốc lá điện tử có tẩm hương.
Tại Trung Quốc, sau khi quy định cấm bán thuốc lá điện tử cho thanh thiếu niên với một loạt biện pháp cứng rắn thì vào đầu tháng 10 này, chính phủ ban hành lệnh cấm đối với các sản phẩm thuốc lá điện tử có mùi hương cùng với các tiêu chuẩn khác đối với các sản phẩm này.
Theo phụ nữ TPHCM