Barrett thực quản thường gặp ở những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) - tình trạng axit dạ dày bị đẩy ngược lên dẫn tới kích thích niêm mạc thực quản.
Nếu xảy ra trong thời gian dài mà không điều trị dứt điểm, lớp tế bào của thực quản sẽ bị tổn thương dẫn đến barrett thực quản và ung thư thực quản.
1. Các phương pháp điều trị barrett thực quản
Điều trị bệnh barrett thực quản phụ thuộc phần lớn vào các triệu chứng và tình trạng nghịch sản trên kết quả sinh thiết:
1.1. Không có nghịch sản
Không có nghịch sản nghĩa là xuất hiện tình trạng barrett thực quản nhưng không tìm thấy các thay đổi tiền ung thư trong tế bào.
Bác sĩ thường chỉ định các biện pháp như sau:
- Nội soi định kỳ: Giúp theo dõi sự tiến triển các tế bào trong thực quản. Nếu sinh thiết cho thấy không có nghịch sản, người bệnh được khuyến cáo nên đi nội soi sau 6 tháng và sau đó thì cứ sau ba năm nếu như không gì thay đổi.
- Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản: Thuốc và thay đổi lối sống sẽ làm giảm các triệu chứng của người bệnh. Ngoài ra, có thể phẫu thuật để thắt chặt cơ thắt kiểm soát dòng chảy của axit dạ dày lên thực quản.
Một số loại thuốc thường dùng như:
+ Thuốc ức chế bơm proton (PPI) như omeprazole và rabeprazole, có tác dụng ngăn chặn sự sản xuất acid, giảm triệu chứng nhanh và chữa lành thực quản. Tác dụng phụ thường gặp là đau đầu, tiêu chảy, đau bụng, suy nhược, đầy hơi, mẩn ngứa và khô miệng.
+ Thuốc kháng histamin H2 như loratadin, cetirizin, fexofenadin… dùng đơn độc hoặc phối hợp với PPI và antacid, dùng trước khi ngủ nếu có trào ngược về đêm. Thuốc có thể gây các tác dụng phụ bao gồm tiêu chảy, táo bón, mệt mỏi, buồn ngủ, nhức đầu, đau cơ...
+ Thuốc kháng acid (antacid) hoạt động dựa trên tác động trung hòa axit dạ dày, giúp giảm các triệu chứng ợ nóng, khó tiêu, trào ngược dạ dày. Không khuyến khích sử dụng thuốc kháng acid trong thời gian dài vì có nguy cơ gây tiêu chảy, táo bón…
+ Thuốc điều hòa nhu động như metoclopramide, domperidone… thường được dùng như một thuốc phụ trợ đẩy nhanh tiến độ làm rỗng của dạ dày và ruột, giảm triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, thuốc có thể gây tác dụng phụ không mong muốn và chống chỉ định với người xuất huyết tiêu hóa.
1.2. Nghịch sản độ thấp
Kết quả sinh thiết phát hiện tế bào có dấu hiệu thay đổi tiền ung thư nhỏ, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán nghịch sản độ thấp. Đối với tình trạng này, bác sĩ sẽ khuyên người bệnh sau 6 tháng quay lại tái khám, và các lần sau cứ từ 6 đến 12 tháng tiếp tục tái khám.
Các phương pháp ưu tiên để điều trị giai đoạn này bao gồm:
- Sử dụng máy nội soi để loại bỏ các tế bào bị tổn thương.
- Cắt bỏ u bằng sóng cao tần (Radiofrequency ablation) bằng cách sử dụng nhiệt để loại bỏ mô thực quản bất thường. Biện pháp này có thể được thực hiện ngay sau khi cắt bỏ mô bằng biện pháp nội soi.
- Nếu viêm thực quản nặng thì ban đầu sẽ được nội soi, sau 3-4 tháng tiếp tục nội soi để điều trị giảm axit dạ dày.
1.3. Nghịch sản độ cao
Nghịch sản độ cao được chẩn đoán khi tế bào có nhiều thay đổi, là giai đoạn cuối cùng trước khi các tế bào chuyển thành ung thư thực quản. Tuy nhiên, tiến triển đến ung thư là không phổ biến cho mọi bệnh nhân, nghiên cứu theo dõi bệnh nhân với barrett thực quản cho thấy chỉ có 0,5 % bệnh nhân mắc bệnh ung thư thực quản mỗi năm. Bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ nội soi hoặc cắt u bằng sóng cao tần (Radiofrequency ablation).
Các lựa chọn khác để điều trị bao gồm:
- Liệu pháp quang đông (Cryotherapy), sử dụng máy nội soi để áp chất lỏng hoặc khí lạnh lên các tế bào bất thường trong thực quản, sau đó tế bào này được làm ấm lên, rồi tiếp tục đông lạnh một lần nữa. Chu kỳ cứ lặp đi lặp lại như vậy để phá hủy các tế bào bất thường.
- Liệu pháp quang động (Photodynamic therapy) là sự kết hợp một dược phẩm được gọi là chất gây cảm quang (photosensitizer) với một loại ánh sáng thích hợp để diệt các tế bào ung thư.
2. Lưu ý khi điều trị barrett thực quản
Barrett thực quản nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, khi các tế bào chưa tiến triển thành ung thư, tổn thương hoàn toàn có thể được chữa khỏi. Tuy nhiên, khi các khối u ác tính đã hình thành, xâm lấn và di căn sang nhiều cơ quan khác, tỷ lệ chữa khỏi rất thấp.
Bên cạnh các phương pháp điều trị nêu trên, người bệnh cần kết hợp các biện pháp chăm sóc tại nhà, thay đổi lối sống để hỗ trợ kiểm soát tình trạng bệnh, chẳng hạn như:
- Duy trì cân nặng hợp lý, không để cơ thể quá béo vì thừa cân gây áp lực lên bụng, thúc đẩy dạ dày và làm nặng nề thêm tình trạng trào ngược dạ dày.
- Tránh ăn đồ cay nóng, các loại thực phẩm có hàm lượng chất béo cao như đồ chiên, nướng, rượu, bia, nước uống có ga, hành, tỏi…
- Bỏ hút thuốc vì có thể dẫn tới tăng lượng acid dạ dày.
- Kê cao đầu khi ngủ để hạn chế trào ngược dạ dày - thực quản…
Theo suckhoedoisong.vn