Có 4 phương pháp chính để khắc phục cận thị là đeo kính gọng, sử dụng kính tiếp xúc, phẫu thuật khúc xạ và sử dụng thuốc.
1. Các loại kính điều chỉnh cận thị
Các loại kính điều chỉnh cận thị đều có tác dụng chung là điều chỉnh cho hình ảnh của vật rơi đúng vào võng mạc, giúp mắt tăng thị lực và có thể nhìn rõ mọi vật.
Có 2 loại kính là kính gọng và kính tiếp xúc:
- Kính gọng: Về nguyên lý là sử dụng loại kính phân kỳ gắn trên gọng kính để điều chỉnh khúc xạ trung tâm của mắt. Phương pháp này khá đơn giản, an toàn, giúp điều trị tật cận thị, nhưng không ngăn ngừa được sự tiến triển cận thị. Người ta đã nghiên cứu và chế tạo ra các loại kính cận đa điểm và đa tròng để khắc phục nhược điểm này.
- Kính tiếp xúc (áp tròng): Là những thấu kính được đặt áp sát vào giác mạc. Về nguyên tắc cũng giống như kính gọng giúp điều chỉnh thị giác trung tâm, nhưng có tính thẩm mỹ cao vì nhìn bên ngoài sẽ không biết người bệnh đang đeo kính. Tuy nhiên cần thực hiện đúng các thao tác khi tháo lắp và tuân thủ nguyên tắc vô trùng, tránh biến chứng trầy xước giác mạc hoặc viêm nhiễm do không đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn.
- Kính chỉnh hình giác mạc ban đêm (Ortho – K): Là phương pháp điều chỉnh tật khúc xạ mới và hiệu quả. Người bệnh sẽ được sử dụng một loại kính áp tròng cứng, thấm khí đặc biệt để đặt vào mắt trước khi đi ngủ và tháo ra vào buổi sáng khi thức dậy.
Trong đêm sự tiếp xúc trực tiếp của kính trên giác mạc dưới lực đè của mi mắt, độ cận sẽ được xóa hoàn toàn và trong suốt ngày hôm sau người bệnh có thể sinh hoạt, học tập, làm việc bình thường mà không cần sử dụng thêm một phương pháp hỗ trợ nào. Phương pháp Ortho-K còn có tác dụng ngăn ngừa sự tiến triển cận thị rất hiệu quả.
2. Phẫu thuật khúc xạ
Các phương pháp phẫu thuật khúc xạ sẽ chia làm 2 nhóm:
- Phẫu thuật bằng laser để làm giảm độ cong giác mạc, điều trị cận thị và các sai lệch khúc xạ khác.
- Đặt một loại kính đặc biệt vào trong nội nhãn để điều chỉnh cận thị.
Hiện có 4 phương pháp phẫu thuật cận thị:
+ Phẫu thuật Lasix: Bác sĩ phẫu thuật mắt sẽ tạo ra một vạt mỏng trên giác mạc bằng dao cơ học, sau đó sử dụng tia laser để làm bốc bay một phần nhu mô, giảm độ cong giác mạc tương ứng với độ cận thị của người bệnh. Phẫu thuật nhanh, khá an toàn, nhưng có thể gặp một số bất lợi khi lái xe ban đêm, nhìn lóa, tái cận.
+ Phẫu thuật Femto-Lasix: Đây là một kỹ thuật mới, dùng tia laser femtosecond để cắt vạt giác mạc, thay vì dùng lưỡi dao cơ học trong phương pháp lasix. Sau đó cũng dùng tia laser excimer để điều chỉnh độ cong giác mạc, tương tự như phương pháp lasix. Phương pháp này hạn chế được phần lớn những ảnh hưởng ngoài mong muốn của phương pháp lasix.
+ Phẫu thuật Relex Smile: Đây là phương pháp cải tiến của phẫu thuật femto-lasik cho phép phẫu thuật bệnh nhân có độ cận loạn thị ở mức cao. Phẫu thuật có độ chính xác cao, xóa cận hoàn toàn và hầu như không để lại biến chứng.
+ Phẫu thuật Phakic – ICL: Là phương pháp phẫu thuật đặt thấu kính nội nhãn để điều trị tật khúc xạ. Thấu kính nội nhãn với thông số được cá nhân hóa theo độ khúc xạ và kích thước bên trong mắt của người bệnh sẽ được đặt vào vị trí sau mống mắt, trước thủy tinh thể. Phakic được chỉ định ở những bệnh nhân có độ cận quá cao hoặc tình trạng giác mạc bất thường không cho phép sử dụng phương pháp phẫu thuật bằng tia laser khác.
3. Các loại thuốc dùng trong cận thị
Hiện có nhiều thông tin về các thuốc có thể hỗ trợ điều trị cận thị, tuy nhiên chưa có loại thuốc nào được chứng minh có thể điều trị triệt để cận thị. Những thuốc này mà chỉ có thể hỗ trợ giảm triệu chứng khô, mỏi và kiểm soát tiến triển độ cận.
3.1.Atropine nồng độ thấp
- Tác dụng: Atropine là một hoạt chất kháng cholinergic, hoạt động bằng cách đối vận thụ thể muscarinic không chọn lọc. Với các nồng độ thấp từ 0,01% đến 0,05% atropine đã được chứng minh là hoạt chất có hiệu quả trong việc kiểm soát tiến triển của cận thị.
Thuốc giúp điều chỉnh về mặt hóa sinh và tế bào học tại lớp biểu mô sắc tố của võng mạc, đồng thời tái cấu trúc củng mạc và điều chỉnh sự tăng trưởng của nhãn cầu, làm hạn chế tăng độ cận thị đối với trẻ em từ 6 đến 14 tuổi. Thuốc được dùng 1 lần mỗi ngày vào buổi tối trước khi trẻ đi ngủ và rất hiếm gặp phản ứng dị ứng và các tác dụng bất lợi khác.
- Lưu ý khi sử dụng: Thuốc được dùng khi có chỉ định của bác sĩ, cho trẻ từ 6 - 14 tuổi và chỉ phát huy tác dụng khi dùng liên tục và thời gian sử dụng ít nhất là 2 năm. Tùy theo mức độ, tính chất cận thị mà bác sĩ chỉ định các nồng độ khác nhau. Khi dùng atropine để kiểm soát cận thị trong thời gian đầu có thể gây mờ hoặc lóa mắt nhẹ vào buổi sáng hôm sau. Tuy nhiên, tác dụng này sẽ hết sau khi thức dậy 1-2 tiếng.
3.2. Một số vitamin và chất dinh dưỡng tốt cho mắt
- Vitamin A: Vitamin A tham gia vào việc bài tiết film nước mắt, có tác dụng bảo vệ bề mặt nhãn cầu; đồng thời tham gia vào quá trình hoạt động của tế bào que trong võng mạc, chịu trách nhiệm chính cho việc nhìn khi ánh sáng yếu, nhìn ban đêm. Vì vậy thiếu vitamin A sẽ gây khô mắt và quáng gà. Lưu ý, dùng quá liều vitamin A có thể gây ngộ độc.
- Vitamin E: Vitamin E là các chất chống oxy hóa mạnh có thể giúp bảo vệ các tế bào mắt khỏi bị phá hủy bởi các gốc tự do, đồng thời giúp trẻ hóa tế bào, tăng cường sức khỏe của mắt. Tuy nhiên nếu dùng quá liều có thể gây tình trạng thừa vitamin E với các triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt, phát ban…
- Vitamin C: Giúp cơ thể hình thành và duy trì mô liên kết, bao gồm cả collagen trong giác mạc của mắt. Vitamin C cũng giúp tăng cường sức khỏe của mạch máu trong mắt, cải thiện cận thị, thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể.
- Riboflavin (vitamin B2): Là một loại vitamin B có liên quan đến sức khỏe của mắt, B2 là chất chống oxy hóa, có khả năng làm giảm stress oxy hóa trong cơ thể.
- Lutein và Zeaxanthin: Là một phần của họ carotenoid, thuộc nhóm các hợp chất có lợi cho mắt được tổng hợp bởi thực vật. Cả hai loại carotenoid này đều có thể được tìm thấy trong điểm vàng của võng mạc, nơi chúng giúp lọc ánh sáng xanh, là loại ánh sáng có hại tiềm tàng, để bảo vệ mắt.
- Omega-3: Dầu gan cá chứa vitamin cần thiết cho mắt, nhưng không có khả năng chữa cận thị. Người bị cận thị chỉ nên dùng dầu cá như một loại thuốc bổ để giúp mắt khỏe hơn, giúp mắt không bị mệt trong một ngày làm việc căng thẳng, đặc biệt là những người làm việc với máy tính hàng ngày.
Việc dùng thuốc hỗ trợ điều trị cận thị đường toàn thân/tại chỗ cần phải tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
4. Những lưu ý khi dùng thuốc cho người cận thị
- Việc dùng thuốc hỗ trợ điều trị cận thị đường toàn thân hoặc tại chỗ cần phải tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa về liều lượng, thời gian, thao tác để đảm bảo thuốc phát huy hiệu quả tác dụng và tránh các rủi ro có thể xảy ra.
- Khi nhỏ thuốc vào mắt, không đeo kính áp tròng, không để đầu chai thuốc chạm vào mắt và phải vệ sinh tay thật sạch sẽ.
- Các đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ quá nhỏ, người có bệnh toàn thân... bắt buộc phải thông báo cho bác sĩ trước khi sử dụng.
- Thuốc nhỏ mắt nói chung và thuốc dùng trong cận thị nói riêng cần được bảo quản đúng hướng dẫn, tránh tình trạng hết hạn hoặc bị nhiễm khuẩn. Thông thường sau khi mở nắp chai thuốc, thời gian sử dụng là 15 ngày. Hiện nay đã có một số chai thuốc sử dụng công nghệ van một chiều, vừa tiết kiệm, vừa ngăn ngừa nhiễm bẩn, nên thời gian sử dụng có thể kéo dài 30 ngày.
- Bảo quản thuốc nơi khô ráo, tránh sánh sáng trực tiếp và xa tầm tay trẻ em.
5. Một số biện pháp phòng ngừa và hỗ trợ khi cận thị
Để phòng ngừa cận thị và các tật khúc xạ của mắt cần có chế độ sinh hoạt học tập và bảo vệ mắt hợp lý:
- Không sử dụng mắt nhìn gần liên tục như đọc sách, xem điện thoại, dùng Ipad, laptop… Sau mỗi 60 phút nhìn gần cần 3-5 phút thư giãn nhìn xa để mắt có thời gian nghỉ ngơi và cân bằng giữa nhìn gần và nhìn xa, tránh mệt mỏi điều tiết và phát sinh cận thị.
- Kiểm tra mắt định kỳ, ít nhất một năm một lần. Nếu trẻ có biểu hiện nhìn xa mờ, nheo mắt, nháy mắt, nhức đầu, mệt mỏi mắt, viết chữ không thẳng hàng, kết quả học tập kém… nên cho đi kiểm tra mắt ngay để phát hiện những bất thường tại mắt và xử lý kịp thời.
- Nếu đã được xác định bị cận thị thì cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ hoặc kỹ thuật viên khúc xạ và lựa chọn phương pháp điều chỉnh phù hợp như: Đeo kính gọng, dùng kính tiếp xúc, dùng kính chỉnh hình ban đêm Ortho-K , khi đủ 18 tuổi có thể phẫu thuật khúc xạ. Kiểm tra kính mỗi 6 tháng một lần
- Trong quá trình điều chỉnh cận thị bằng các phương pháp trên, có thể áp dụng các phương pháp bổ trợ để hạn chế tiến triển cận thị ở trẻ em như: Nhỏ thuốc atropin nồng độ thấp, nhỏ thuốc chống mỏi điều tiết có chứa các loại vitamin, sử dụng thực phẩm dinh dưỡng giàu vitamin A, B, C, E và ngủ đủ 8 tiếng một ngày để có một sức khỏe tốt, sự phát triển toàn diện và đôi mắt sáng.
Tại Việt Nam hiện nay hai phương pháp đã được chứng minh có tác dụng kiểm soát sự tiến triển của cận thị là atropin nồng độ thấp và kính chỉnh hình giác mạc Ortho – K. Riêng phương pháp sử dụng kính gọng đa điểm là phương pháp mới được khuyến cáo với những cơ sở khoa học kỳ vọng mới về mặt lý thuyết, nhưng cần thời gian kiểm chứng trên thực tế sử dụng của bệnh nhân và kết quả nghiên cứu của các chuyên gia khoa học.
Theo suckhoedoisong.vn