Điều trị nội khoa phình động mạch chủ
Nếu khối phình động mạch chủ nhẹ, nhỏ hơn 5cm và không có biểu hiện triệu chứng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa bằng thuốc chẹn beta và thuốc chẹn kênh canxi. Mục đích dùng thuốc là hạ huyết áp và làm giãn mạch máu, nhờ đó làm giảm nguy cơ vỡ khối phình.
- Thuốc chẹn beta: Là một trong những thuốc được sử dụng khá phổ biến trong điều trị bệnh tim mạch. Đây là nhóm thuốc được bác sĩ kê đơn dựa vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Một số thuốc chẹn beta phổ biến như: Acebutolol, atenolol, metoprolol, bisoprolol, propranolol...
Nhóm thuốc chẹn beta có tác dụng làm chậm nhịp tim, giãn mạch máu, giảm huyết áp, co thắt phế quản... Tùy theo vị trí tác động, thuốc chẹn beta sẽ có tác dụng tương ứng.
Thuốc chống chỉ định với các trường hợp:
- Người bệnh hen suyễn.
- Người bệnh suy tim sung huyết mất bù.
- Người có nhịp tim chậm, với khoảng nhịp dưới 50 lần/phút.
- Bệnh nhân mắc hội chứng Raynaud và một số tổn thương mạch máu ngoại vi khác.
- Bệnh nhân suy gan với triệu chứng tăng bilirubin huyết, cổ trướng nhiều, bệnh lý não do gan.
- Chống chỉ định phối hợp với thuốc amiodaron do nguy cơ rối loạn nhịp nặng.
- Chống chỉ định phối hợp với thuốc ức chế monoamin oxydase (nhóm iMAO);
- Phụ nữ mang thai do chưa được kiểm chứng mức độ an toàn cho thai nhi.
- Phụ nữ cho con bú do khả năng thuốc vào sữa mẹ.
Thuốc chẹn beta được chỉ định rất phổ biến trong điều trị bệnh tim mạch, đặc biệt là tăng huyết áp. Tuy nhiên, tùy theo cơ chế tác động của từng phân nhóm mà bác sĩ sẽ phối hợp thuốc một cách phù hợp để kê đơn cho bệnh nhân.
- Thuốc chẹn kênh canxi: Là thuốc được áp dụng trong điều trị bệnh lý tim mạch từ lâu. Thuốc có tác động trên cả động mạch và cơ tim. Nhưng tác dụng trên động mạch được cho là mạnh hơn trên tim. Thuốc có tác dụng gây giãn mạch nhanh và mạnh, dẫn đến huyết áp giảm nhanh, phản xạ làm tăng nhịp tim, không có lợi cho những bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim.
Thuốc chẹn kênh canxi được chia thành 3 nhóm, nhưng thường dùng là nhóm dihydropyridine, có tác động chủ yếu ở động mạch. Các thuốc cơ bản trong nhóm này gồm: Amlodipine, felodipine, isradipine, nicardipine, nifedipine, nimodipine…
Đối với động mạch, thuốc chẹn kênh canxi làm giảm tính co của cơ trơn, giảm sức cản thành mạch, từ đó làm giảm huyết áp và chống co thắt động mạch.
Thuốc có tác dụng phụ điển hình là:
- Đau đầu, chóng mặt.
- Buồn nôn, táo bón, ợ nóng.
- Dị ứng, nổi mẩn da, đỏ bừng mặt.
- Sưng chân.
- Mệt mỏi.
- Trong một số trường hợp, thuốc chẹn kênh canxi còn có nguy cơ làm giảm lượng đường trong máu của bệnh nhân. Tác dụng phụ kéo dài sẽ gây tổn hại đến sức khỏe.
Thuốc chẹn kênh canxi có thể tương tác với một số thuốc hoặc thực phẩm chức năng. Trường hợp bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc, cần thông báo cho bác sĩ biết về các loại thuốc đang uống, kể cả thực phẩm chức năng hoặc vitamin, thuốc bổ, thảo dược…
Không ăn bưởi khi đang dùng thuốc chẹn kênh canxi. Bởi bưởi có thể làm ảnh hưởng đến nồng độ thuốc trong cơ thể.
Sau khi dùng thuốc, bệnh nhân cần tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ. Nếu động mạch chủ tiếp tục phồng lên, bác sĩ sẽ điều chỉnh thời gian theo dõi định kỳ, đồng thời tiếp tục điều trị các bệnh liên quan trực tiếp đến phình động mạch chủ như tăng huyết áp.
Cần thực hiện các xét nghiệm hình ảnh định kỳ và siêu âm ổ bụng 6 tháng một lần sau khi được chẩn đoán bệnh. Các xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh toàn diện hơn.
Nếu tình trạng phình động mạch chủ tiếp tục phát triển, đồng thời xuất hiện các triệu chứng như đau vùng ngực, lưng hoặc hàm… bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật để loại bỏ.
Phẫu thuật điều trị phình động mạch chủ
Có 2 phương pháp phẫu thuật phổ biến:
Phẫu thuật mở: Với trường hợp này, bác sĩ sẽ tiến hành mở ngực hoặc bụng (tùy vị trí phình động mạch), loại bỏ khối phình trong động mạch chủ và thay mạch đoạn động mạch chủ bằng đoạn mạch nhân tạo tại chỗ để sửa chữa động mạch. Chỉ định trong các trường hợp:
Phình động mạch chủ bụng đường kính trên 2.5 lần đường kính cổ trên hoặc trên 5cm.
Phình động mạch chủ bụng có các biến chứng như nhiễm trùng, dọa vỡ, vỡ, tắc mạch chi.
Thiếu máu chi từ giai đoạn II nặng trở lên trong hội chứng Leriche.
Kỹ thuật này không được thực hiện khi thể trạng người bệnh không cho phép; bệnh nhân quá cao tuổi, yếu hoặc mắc nhiều bệnh nội khoa phối hợp nặng.
Trong quá trình phẫu thuật, có thể gặp các rủi ro, nên trước khi phẫu thuật, người bệnh và gia đình sẽ được nhân viên y tế giải thích rõ về tình trạng bệnh, mục đích của phẫu thuật, những tai biến, di chứng có thể gặp...
Sau khi thực hiện đầy đủ các bước trước khi phẫu thuật, cùng thể trạng bệnh nhân cho phép, bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện ca phẫu thuật.
Với phương pháp này, bác sĩ mở dọc động mạch chủ bụng đoạn khối phình, khâu cầm máu các động mạch đốt sống. Tùy trường hợp sẽ thay đoạn động mạch bị tổn thương bằng mạch nhân tạo đoạn thẳng hoặc chữ Y. Sau đó tiến hành khâu nối các mạch máu; lấy bỏ các mảng xơ vữa tại miệng nối; phục hồi lưu thông cho động mạch mạc treo tràng. Sau khi hoàn thành các bước thay đoạn mạch nhân tạo, bác sĩ tiến hành khâu lại áo của khối phình mạch để che đoạn mạch nhân tạo…
Các biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ bụng như:
Chảy máu: Là một biến chứng thường gặp. Trường hợp có rối loạn huyết động, khối tụ máu lớn bệnh nhân cần được mổ lại cầm máu cấp cứu.
Tắc mạch sau mổ: Do không xử trí hết tổn thương; do sử dụng thuốc chống đông không hợp lý hoặc kỹ thuật khâu phục hồi mạch không tốt. Tình huống này cũng cần phẫu thuật lại để phục hồi lưu thông mạch cho bệnh nhân.
Nhiễm trùng: Có thể nhiễm trùng tại chỗ hoặc nhiễm trùng toàn thân. Mức độ từ nhẹ đến nặng. Cách xử trí bao gồm cắt chỉ cách quãng, thắt mạch và bắc cầu ngoài giải phẫu, tiến hành mổ lại...
Thiếu máu ruột: Do ca mổ ảnh hưởng đến động mạch mạc treo tràng dưới và động mạch chậu trong hai bên. Trường hợp bị viêm phúc mạc do hoại tử ruột, cần mổ lại cắt ruột.
Thiếu máu tủy: Do phẫu thuật tắt các động mạch đốt sống, xử trí bằng cách điều trị phục hồi chức năng.
Phẫu thuật nội soi đặt stent graft: Là thủ thuật xâm lấn tối thiểu nhằm khắc phục chứng phình động mạch chủ. Với kỹ thuật này, bác sĩ dùng một ống thông để đưa stent vào vị trí phình động mạch, loại trừ khối phình và giúp ổn định dòng chảy trong lòng mạch. Bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp stent graft với các trường hợp:
Phình động mạch chủ ngực có đường kính trên 5.5cm (nam) và trên 5.0cm (nữ). Hoặc nút phình tiến triển nhanh trên 5mm trong vòng 1 năm và/hoặc có biến chứng tách thành động mạch chủ.
Phình động mạch chủ bụng dưới động mạch thận đường kính trên 5,5 mm hoặc tiến triển nhanh trên 5 mm/năm, hoặc có biến chứng gây tách thành, dọa vỡ...
Giả phình động mạch chủ sau chấn thương hay do nguyên nhân nhiễm khuẩn...
Để tiến hành phương pháp can thiệp này, bệnh nhân cần phải chụp cắt lớp vi tính hệ thống động mạch chủ ngực và bụng để đánh giá tổn thương và giúp bác sĩ đưa ra chỉ định và lập kế hoạch can thiệp phù hợp. Ngoài ra, bệnh nhân còn được khám, xét nghiệm để đánh giá tổn thương động mạch cũng như các bệnh lý kèm theo
Khi tiến hành thủ thuật, bệnh nhân không cần phải gây mê mà chỉ cần gây tê tại chỗ tại vùng bẹn, nơi đâm kim chọc mạch. Stent graft được đưa vào đúng vị trí tổn thương dưới hướng dẫn của màn hình tăng sáng. Tùy thuộc vào hình thái và kích thước đoạn mạch bị tổn thương, có thể đặt 1, 2 hoặc 3 mảnh graft;
Thời gian tiến hành can thiệp là khoảng từ 1 - 3 giờ. Sau can thiệp, bệnh nhân lưu viện để theo dõi các biến chứng sớm thủ thuật trung bình 2 đến 3 ngày.
Sau khi ra viện, bệnh nhân vẫn cần tái khám định kỳ để được theo dõi, kiểm tra chắc chắn vị trí stent trong động mạch chủ cũng như không phát sinh thêm tổn thương mới.
So với phương pháp mổ mở truyền thống, kỹ thuật đặt stent graft đem lại nhiều ưu điểm như: Rút ngắn thời gian hồi phục và nằm viện; giảm biến chứng trong và sau can thiệp; giảm nguy cơ nhiễm trùng cũng như nguy cơ tử vong.
Theo suckhoedoisong.vn