Các triệu chứng về đường tiêu hóa cũng được cho là xuất hiện trước khi khởi phát bệnh mạch máu não, bao gồm đột quỵ, phình động mạch não hoặc bệnh Alzheimer.

Nhóm nghiên cứu, bao gồm TS. Pankaj Pasricha tại Bệnh viện Mayo Clinic Arizona ở Scottsdale (Mỹ) đã sử dụng dữ liệu từ Mạng lưới hồ sơ y tế toàn quốc của Mỹ (TriNetX) để so sánh hơn 24.000 người có chẩn đoán mắc bệnh liệt rung không rõ nguyên nhân với những người có chẩn đoán mắc các bệnh lý thần kinh khác (bao gồm hơn 19.000 người mắc bệnh Alzheimer, hơn 23.000 người mắc bệnh mạch máu não và hơn 24.000 người không mắc các bệnh lý này).

Nhóm nghiên cứu đã so sánh những người mắc bệnh liệt rung với những người trong các nhóm bệnh lý thần kinh khác về độ tuổi, giới tính, chủng tộc và dân tộc cũng như thời gian chẩn đoán. Sau đó, họ so sánh tần suất các rối loạn đường tiêu hóa của bệnh nhân trong thời gian trung bình 6 năm trước khi được chẩn đoán mắc bệnh liệt rung.

Để kiểm tra giả thuyết, các nhà nghiên cứu đã chia tất cả những người trưởng thành có chẩn đoán mắc bất kỳ rối loạn nào trong số 18 rối loạn đường tiêu hóa thành các nhóm riêng biệt tùy theo tình trạng bệnh lý, sau đó so sánh với các nhóm không bị rối loạn đường tiêu hóa.

Đối tượng nghiên cứu được theo dõi trong 5 năm để xác định xem có bao nhiêu người trong số họ mắc bệnh liệt rung hoặc các rối loạn thần kinh khác.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, 4 rối loạn đường tiêu hóa có liên quan đến nguy cơ cao mắc bệnh liệt rung. Cụ thể, liệt dạ dày (tình trạng chậm làm rỗng dạ dày), khó nuốt và táo bón đều có liên quan đến tăng 2 lần nguy cơ mắc bệnh liệt rung trong 5 năm trước khi được chẩn đoán; hội chứng ruột kích thích (IBS) không kèm tiêu chảy có liên quan tới tăng 17% nguy cơ mắc bệnh liệt rung.

Các rối loạn ở đường tiêu hóa có thể là dấu hiệu sớm của bệnh Parkinson - Ảnh 2.

Các rối loạn ở đường tiêu hóa có thể là dấu hiệu sớm của bệnh liệt rung.

Các nhà khoa học cho biết: "Đây là nghiên cứu đầu tiên thiết lập bằng chứng quan sát cho thấy chẩn đoán lâm sàng không chỉ với táo bón mà còn với khó nuốt, liệt dạ dày và hội chứng ruột kích thích không kèm tiêu chảy có thể giúp dự báo nguy cơ mắc bệnh liệt rung".

Những người mắc bệnh liệt rung cũng có tỷ lệ cao hơn mắc một số vấn đề về đường tiêu hóa khác, bao gồm cảm giác nóng rát hoặc đầy bụng không rõ nguyên nhân, hội chứng ruột kích thích kèm tiêu chảy và tiêu chảy kèm đại tiện không tự chủ. Các vấn đề đường tiêu hóa này cũng hay thường gặp trước khi khởi phát bệnh Alzheimer hoặc bệnh mạch máu não.

Theo các nhà khoa học, hạn chế của nghiên cứu mới này bao gồm thời gian theo dõi tương đối ngắn và vì đây là nghiên cứu quan sát nên chưa thể chứng minh được mối quan hệ nhân quả.

"Kết quả nghiên cứu mới đã cho thấy cần lưu ý tới những rối loạn đường tiêu hóa ở những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh liệt rung và nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành nghiên cứu thêm về các dấu hiệu sớm ở đường tiêu hóa trong bệnh Alzheimer và bệnh mạch máu não" - các nhà khoa học kết luận.

Theo suckhoedoisong.vn