Áp xe thận thường có các triệu chứng như sốt kèm ớn lạnh, run rẩy không kiểm soát được, đổ mồ hôi nhiều, đau bụng, tiểu đau, nước tiểu có máu, hạ huyết áp, da nhợt nhạt, nhịp tim nhanh.
Sau khi chẩn đoán, dựa trên kích thước, tình trạng của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
1. Các thuốc điều trị áp xe thận
1.1. Thuốc kháng sinh
Kháng sinh được sử dụng theo kháng sinh đồ thông qua kết quả nuôi cấy mẫu máu, nước tiểu, dịch tại vị trí nhiễm trùng... là tốt nhất. Thời gian và liều lượng kháng sinh tùy theo mức độ bệnh.
Trường hợp bệnh nhân có suy giảm chức năng thận, cần lựa chọn các kháng sinh không độc với thận, không làm giảm mức lọc cầu thận và chỉnh liều theo mức lọc cầu thận.
Hiện nay, có rất nhiều nhóm kháng sinh khác nhau để điều trị các bệnh lý nhiễm trùng có liên quan đến bệnh lý đường tiết niệu. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh cần được chỉ định bởi các bác sĩ có chuyên môn dựa trên biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm của người bệnh. Có thể sử dụng kháng sinh đơn trị liệu (1 nhóm) hoặc đa trị liệu (kết hợp 2 hoặc nhiều nhóm).
Một số nhóm thuốc kháng sinh có thể sử dụng trong trường hợp nhiễm khuẩn mức độ nhẹ:
- Trimethoprim (không sử dụng trong 3 tháng đầu thai kỳ).
- Trimethoprim/sulfamethoxazole (không sử dụng trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ).
- Cephalosporin…
Các trường hợp nhiễm trùng mức độ trung bình và nặng cần điều trị nội trú có thể sử dụng một số thuốc như fluoroquinolon, ceftriaxone, piperacillin/tazobactam, imipenem/cilastatin, meropenem…
Người bệnh cần tuân thủ phác đồ kháng sinh mà bác sĩ đã đưa ra. Trên thực tế, không ít bệnh nhân tự ý bỏ thuốc sau 2 - 3 ngày điều trị - khi cảm nhận các triệu chứng đã thuyên giảm. Đây là một trong những sai lầm phổ biến làm giảm hiệu quả điều trị. Về lâu dài, thói quen này làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh, gây khó khăn cho điều trị.
Dùng kháng sinh có thể gây ra tác dụng phụ điển hình là đi tiêu phân lỏng (tiêu chảy), vì thuốc kháng sinh làm gián đoạn các vi khuẩn khỏe mạnh trong đường ruột hoạt động bình thường. Đây là lý do mà bác sĩ có thể chỉ định sử dụng men vi sinh sau khi điều trị bằng thuốc kháng sinh.
1.2. Thuốc hạ sốt, giảm đau
Bệnh nhân áp xe thận có thể dùng thuốc hạ sốt, giảm đau không aspirin chứa acetaminophen để điều trị triệu chứng sốt hoặc khó chịu.
Nếu dùng đúng liều lượng chỉ định, paracetamol được xem là loại thuốc tương đối an toàn. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ngộ độc gan khi dùng liều cao, kéo dài. Ngoài ra, thuốc cũng có thể gây dị ứng ở những người có cơ địa mẫn cảm, bao gồm các triệu chứng khó thở, nổi mề đay, sưng môi, lưỡi, mặt hoặc sưng cổ họng… Chống chỉ định trong những trường hợp quá mẫn với thành phần của thuốc; người suy gan, suy thận nặng.
1.3. Thuốc điều trị các bệnh lý mắc kèm
Việc kiểm soát tốt các bệnh lý kèm theo giúp cải thiện tình trạng nhiễm trùng, nâng cao thể trạng, giảm nguy cơ tăng nặng và tái phát bệnh...
- Thuốc ức chế men chuyển được chỉ định trong trường hợp người bệnh mắc đồng thời tăng huyết áp và áp xe thận. Thuốc có tác dụng ngăn chặn (ức chế) hoạt động của enzyme ACE, làm giảm sản xuất angiotensin II. Kết quả là các mạch máu giãn ra, giảm kháng lực mạch và hạ huyết áp. Kháng lực mạch giảm giúp tim bơm máu dễ dàng hơn, cải thiện chức năng của tim bị suy. Giảm sản xuất angiotensin II sẽ giảm áp lực lọc cầu thận nên thuốc có tác dụng bảo vệ thận.
Tuy nhiên, thuốc có thể gây tác dụng phụ như ho khan, tăng kali máu, hạ huyết áp đột ngột, phù mạch. Cần dùng thuốc đều đặn, tốt nhất nên uống cùng một thời điểm trong ngày. Tránh dùng đồng thời thuốc ức chế men chuyển với thuốc NSAID như ibuprofen vì có thể làm giảm tác dụng của thuốc ức chế men chuyển.
- Metformin và insulin được chỉ định đối với người bệnh đái tháo đường mắc áp xe thận. Thuốc có tác dụng kiểm soát đường huyết, từ đó ngăn ngừa biến chứng của đái tháo đường lên thận.
Insulin cũng có tác dụng phụ nhưng ít gặp. Người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như hạ đường huyết, nổi mẩn đỏ, ngứa nơi tiêm... Hầu hết các tác dụng phụ này đều có thể khắc phục và không để lại hậu quả nặng nề.
Metformin là thuốc làm tăng độ nhảy cảm của insulin. Thuốc metformin có ưu điểm không gây hạ đường huyết nếu dùng đơn lẻ, không gây tăng cân. Thuốc cũng làm giảm hấp thu cholesterol xấu, triglyceride, phòng ngừa các vấn đề về tim mạch. Tuy nhiên, không dùng thuốc cho bệnh nhân suy thận. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể gặp vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, khó tiêu, chán ăn.
1.4. Phương pháp dẫn lưu dưới da
Trong một số trường hợp tổ chức mủ, tổ chức áp xe sau một thời gian điều trị kháng sinh toàn thân, nâng cao thể trạng người bệnh có thể phối hợp phương pháp dẫn lưu ổ mủ qua da giúp giải phóng ổ nhiễm trùng, làm sạch tại chỗ cũng như có thể đưa kháng sinh điều trị tại ổ viêm.
Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi cần được thực hiện tại cơ sở y tế với các bác sĩ được đào tạo chuyên khoa đồng thời người bệnh đảm bảo các điều kiện cần thiết để thực hiện thủ thuật can thiệp. Mặt khác, quá trình thực hiện cũng có nguy cơ đưa ổ nhiễm khuẩn sang các vị trí khác nếu lựa chọn phương pháp can thiệp không chính xác.
2. Một số lưu ý khi điều trị áp xe thận
Áp xe thận là bệnh lý khá phổ biến. Theo thống kê, cứ 10.000 người thì có 1 - 10 người mắc phải căn bệnh này. Để điều trị hiệu quả, người bệnh áp xe thận cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, đảm bảo dùng thuốc đúng theo đơn, không được tự ý ngưng thuốc giữa chừng, ngay cả khi các triệu chứng bệnh đã thuyên giảm.
Trường hợp bị đau, sốt, khó chịu, người bệnh có thể uống thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ và đặt một miếng đệm nóng lên bụng, lưng hoặc bên hông để hỗ trợ giảm đau.
Chú ý uống nhiều nước sẽ giúp vi khuẩn thải ra từ đường tiết niệu. Bạn không nên uống cà phê và rượu cho đến khi hết nhiễm trùng vì những loại đồ uống này có thể làm bệnh tiểu rắt nặng hơn.
Theo suckhoedoisong.vn