Thông thường, một chu kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài 28-32 ngày, thời gian hành kinh là 3-5 ngày, lượng máu kinh nguyệt khoảng 50-80ml. Rong kinh là khi số ngày kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày, lượng máu trên 80ml và thường kèm theo hiện tượng đau bụng kinh.

Tình trạng này kéo dài có thể khiến cơ thể mất quá nhiều máu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như:

  • Thiếu máu do giảm hồng cầu, giảm oxy đến các mô, người bệnh sẽ có biểu hiện khó thở, da xanh xao, suy nhược và mệt mỏi.
  • Các cơn đau dữ dội khiến chị em không thể làm việc.
  • Máu kinh có màu đen, bị ứ trong tử cung và phần phụ, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm các cơ quan sinh dục, dễ gây các bệnh lý phụ khoa và gây vô sinh ở nữ giới.

Do vậy, rong kinh cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để kiểm soát tình trạng mất máu, phòng ngừa nguy cơ vô sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bệnh nhân có thể sẽ được chỉ định điều trị nội khoa (dùng thuốc). Nếu việc điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật.

1. Các thuốc điều trị rong kinh

1.1. Trị liệu không dùng hormone

- Tranexamic acid được chỉ định trong điều trị rong kinh để làm giảm mất máu theo cơ chế giảm hóa lỏng máu vón cục từ các tiểu động mạch nội mạc tử cung. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau đầu, mệt mỏi, đau bụng...

Chống chỉ định sử dụng thuốc cho bệnh nhân có nguy cơ hoặc đã hoặc đang mắc bệnh huyết khối tắc mạch (rối loạn tăng đông máu, tắc động mạch võng mạc, huyết khối não, huyết khối tĩnh mạch sâu, tắc mạch phổi). Sử dụng thận trọng nhóm thuốc này ở những bệnh nhân có chảy máu trên đường tiết niệu hoặc tắc nghẽn do hình thành cục máu đông, suy thận, xuất huyết dưới màng nhện, ở những bệnh nhân có sử dụng nội tiết tránh thai.

- Thuốc kháng viêm không steroid với cơ chế giảm tổng hợp prostaglandin - chất có liên quan đến co thắt và xuất huyết tử cung, giúp kiểm soát tình trạng mất máu, ưu tiên chỉ định ở những bệnh nhân rong kinh có kèm đau bụng kinh.

Mặc dù không hiệu quả như tranexamic acid nhưng nhóm thuốc này ít tác dụng phụ hơn. Nên sử dụng thuốc khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt cho đến khi tình trạng mất máu nhiều ngừng hẳn. Không khuyến cáo cho các bệnh nhân bị rong kinh thứ phát có rối loạn chảy máu.

 
leftcenterrightdel
 Bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc để kiếm soát các triệu chứng của rong kinh.

1.2. Trị liệu sử dụng hormone

- Thuốc tránh thai chứa estrogen và progesteron ức chế sự rụng trứng và khả năng sinh sản thông qua tác động trên trục hạ đồi - tuyến yên làm ngăn chặn sự gia tăng của nội mạc tử cung, đồng thời có tác dụng làm giảm lượng máu kinh. Sử dụng 21 ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt sau đó ngưng 7 ngày. Thuốc cũng có tác dụng làm giảm đau ngực và đau bụng kinh. Đây là loại thuốc hay chọn nhất cho phụ nữ bị rong kinh không rõ nguyên nhân. 

Thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, đau đầu, đau hoặc căng cứng ngực, mệt mỏi, tâm trạng thất thường...

Tránh sử dụng ở các bệnh nhân có tiền sử hay đang mắc huyết khối tắc mạch, bệnh tim mạch, bệnh động mạch vành, bệnh van tim, tăng huyết áp không được kiểm soát, rối loạn đông máu, đái tháo đường, đau đầu trầm trọng, đau nửa đầu, bệnh gan, bệnh vú hoặc ung thư nội mạc tử cung.

- Hormon steroid loại androgenic có tác dụng ức chế hoạt động của estrogen và progestogen cũng có thể được sử dụng trong điều trị rong kinh. Thuốc có tác dụng chống tăng sinh nội mạc tử cung và ức chế việc sản xuất gonadotropins ở tuyến yên gây rụng trứng và làm giảm lượng máu kinh. Tuy nhiên thuốc có nhiều tác dụng phụ bất lợi, do đó ít được chọn lựa trong điều trị rong kinh.

- Dụng cụ đặt tử cung có chứa levonorgesterol có khả năng làm giảm chảy máu rất tốt, vừa có tác dụng điều trị rong kinh, vừa giúp ngừa thai lâu dài. Tuy nhiên không đặt dụng cụ này cho phụ nữ có bất thường tử cung, viêm cổ tử cung hoặc viêm âm đạo không được điều trị, chảy máu tử cung bất thường chưa được chẩn đoán, bệnh gan, ung thư vú...

2. Lưu ý khi điều trị rong kinh

- Thuốc điều trị rong kinh hay dùng là các loại hormone đều liên quan chặt chẽ đến tác dụng ngừa thai và tình trạng nội tiết của người dùng. Đây cũng là nhóm thuốc có rất nhiều tác dụng phụ nên cần thận trọng khi sử dụng, chỉ dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ sản khoa sau khi đã được thăm khám trực tiếp.

Do đó, khi có hiện tượng ra máu bất thường, chị em nên đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Sản - Phụ khoa để được thăm khám kịp thời. Từ đó có phác đồ điều trị phù hợp, tránh để tình trạng mất máu kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe sinh sản.

- Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám theo lịch hẹn. 

- Trong quá trình dùng thuốc nếu có bất thường cần thông báo cho bác sĩ biết để được xử lý thích hợp. 

Theo suckhoedoisong.vn