Theo ước tính, hiện Việt Nam có khoảng 1,6 triệu người bị suy tim. Để điều trị suy tim, các biện pháp chung là thay đổi lối sống, theo dõi chặt chẽ và sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để giảm triệu chứng và kiểm soát lâu dài.
Một số trường hợp có thể cần can thiệp phẫu thuật. Ghép tim là giải pháp cuối cùng khi tất cả các biện pháp khác không hiệu quả.
Bên cạnh can thiệp y học, người bệnh cần thực hiện một lối sống lành mạnh để cải thiện sức khỏe tim mạch như ngưng thuốc lá, giảm cân ở người béo phì thừa cân; kiểm soát huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường; ngưng sử dụng rượu.
Một lưu ý quan trọng khác cần hạn chế sử dụng muối (<2g/ngày), nước uống cũng nên sử dụng trong giới hạn hợp lý (< 1,5 lít/ngày). Ngoài ra, bệnh nhân cần lựa chọn những môn thể dục nhẹ nhàng, phù hợp, không cần hạn chế vận động.
1. Thuốc điều trị suy tim
1.1. Các thuốc điều trị giảm triệu chứng của suy tim
Có rất nhiều nhóm thuốc điều trị triệu chứng suy tim, nhưng có 2 nhóm thuốc dùng phổ biến nhất hiện nay là thuốc lợi tiểu và glycosid trợ tim.
- Thuốc lợi tiểu quai: Do suy tim có thể dẫn đến phù nề, mệt mỏi, khó thở, ho… sử dụng thuốc lợi tiểu là lựa chọn hàng đầu cho các bệnh nhân suy tim có triệu chứng ứ huyết, phù ngoại biên.
Thuốc lợi tiểu quai (lợi tiểu thải kali) giúp tăng bài tiết nước tiểu ở thận, đưa lượng dịch bị ứ đọng bên trong ra khỏi cơ thể, từ đó giảm các triệu chứng suy tim.
Cần lưu ý rằng, thuốc gây hạ huyết áp, do vậy cần lưu ý chỉ định ở những bệnh nhân huyết áp thấp. Phải đảm bảo bệnh nhân có các dấu hiệu ứ nước thì mới chỉ định dùng lợi tiểu. Nếu bệnh nhân thiếu nước sẽ làm trầm trọng thêm rối loạn nước – điện giải.
Bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc lợi tiểu phù hợp căn cứ vào các triệu chứng cũng như tình trạng bệnh. Không tự ý sử dụng hay tăng giảm liều.
Khi thuốc lợi tiểu thải nước, luôn kéo theo mất các chất điện giải, trong đó quan trọng nhất là kali, do vậy phải luôn luôn lưu ý bổ sung kali đầy đủ, vì thiếu kali có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân.
- Thuốc trợ tim glycosid: Các thuốc trợ tim glycosid (digoxin, digitoxin) có khả năng cải thiện được sức bơm máu của tim, giúp người bệnh dễ thở hơn. Thuốc cũng giữ cho nhịp tim ổn định hơn với trường hợp tim đập nhanh hoặc không đều do rung nhĩ.
Tuy nhiên, đây là nhóm thuốc độc bảng A, cần hết sức lưu ý các chống chỉ định khi dùng và bắt buộc phải được bác sĩ kê đơn và theo dõi. Thuốc có thể có những tác dụng phụ nguy hiểm đến tính mạng như loạn nhịp tim (đặc biệt ngoại tâm thu thất ở các mức độ khác nhau và chậm nhịp tim); làm nặng thêm bệnh lý mạch vành do thuốc làm tăng mức tiêu thụ oxy của cơ tim. Ở các bệnh nhân có suy thận kết hợp, các bệnh nhân có rối loạn điện giải máu (đặc biệt kali máu tăng hoặc giảm đều nguy hiểm) cần phải đặc biệt chú ý.
1.2. Thuốc cải thiện tiên lượng sống cho bệnh nhân
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin/neprilysin (ARNI): ARNI là một loại thuốc kết hợp mới để điều trị suy tim. Chúng bao gồm thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB) và loại thuốc ức chế neprilysin (ví dụ sacubitril). Thuốc có tác dụng giảm huyết áp, giảm hậu gánh và tăng thải natri, nhờ đó giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch và nhập viện do suy tim.
TMột số tác dụng phụ của thuốc như tăng kali máu, huyết áp thấp, suy giảm chức năng thận và phù mạch. Chống chỉ định với các trường hợp quá mẫn với thành phần của thuốc, người có bệnh lý về gan như xơ gan, suy gan...
Bệnh nhân có tiền sử phù mạch liên quan đến điều trị bằng các thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc ức chế thụ thể angiotensin cũng không nên dùng nhóm thuốc này. Ngoài ra, phụ nữ có thai và cho con bú cũng không nên sử dụng.
- Thuốc chẹn beta: Thuốc chẹn beta giao cảm được sử dụng rộng rãi trong điều trị suy tim, giúp làm giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Thuốc có tác dụng hạn chế sự kích thích thái quá của hệ thần kinh giao cảm, giúp kiểm soát nhịp tim, giảm áp lực trong tim.
Một số tác dụng phụ của thuốc như gây mệt mỏi, đau đầu, lạnh tay, rối loạn tiêu hóa, choáng váng, khó thở, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm.
Nếu bệnh nhân có huyết áp quá thấp hoặc nhịp tim quá chậm thì không nên sử dụng thuốc chẹn beta. Các trường hợp hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng không dùng thuốc chẹn beta vì có thể làm cho các triệu chứng của những bệnh này nặng nề hơn. Trường hợp bị suy tim mà có ứ trệ ở phổi, bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc lợi tiểu để tình trạng ứ trệ này giảm hẳn trước khi kê thuốc chẹn beta.
- Thuốc lợi tiểu kháng aldosterone: Các thuốc lợi tiểu kháng aldosterone hay còn gọi là thuốc lợi tiểu giữ kali, thường được dùng ở các bệnh nhân có triệu chứng mức độ từ vừa đến nặng hoặc có các dấu hiệu suy tim. Thuốc giúp làm giảm nguy cơ suy tim tiến triển, giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân suy tim.
- Thuốc ức chế chất đồng vận chuyển natri-glucose 2 (SGLT2): Thuốc ức chế SGLT2 được sử dụng trong điều trị đái tháo đường để ngăn chặn sự tái hấp thu glucose. Thuốc giúp giảm lượng đường trong máu và cải thiện chức năng tim, từ đó giảm tỉ lệ nhập viện và tử vong ở bệnh nhân suy tim.
2. Những điều lưu ý khi dùng thuốc
Mặc dù với sự tiến bộ không ngừng của y học hiện đại ngày nay, các bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối đã có thể được điều trị triệt để bằng ghép tim hay bằng các dụng cụ hỗ trợ thất trái. Tuy nhiên, các biện pháp này còn có rất nhiều hạn chế do điều kiện kinh tế, điều kiện trang thiết bị... Do vậy, các biện pháp nội khoa vẫn là phương pháp điều trị hỗ trợ hoặc là chọn lựa chủ yếu để điều trị bệnh suy tim, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân gây suy tim, nên điều trị nội khoa phải bao gồm: Các thuốc điều trị nguyên nhân gây suy tim, thuốc điều trị triệu chứng và thuốc điều trị các biến chứng của suy tim. Ngoài ra, bệnh nhân suy tim hầu hết là có các bệnh đồng mắc và thường phải sử dụng rất nhiều loại thuốc khác nhau. Do vậy người bệnh cũng cần có những hiểu biết nhất định để tránh những sai lầm đáng tiếc khi sử dụng thuốc.
Đối với người bệnh cần:
- Uống thuốc đúng, đủ, đều vào giờ cố định để tránh quên thuốc.
- Giữ các toa thuốc cẩn thận vào nơi dễ nhớ, dễ tìm để có thể tra cứu khi quên liều dùng, thời điểm dùng, cách dùng.
- Không dùng chung toa thuốc với người bệnh khác dù cùng mức độ suy tim, cùng triệu chứng.
- Không tự ý tăng/giảm/ngừng thuốc.
- Khi uống thuốc thấy triệu chứng không giảm hoặc xuất hiện các biểu hiện bất thường, cần tái khám hoặc gọi ngay cho bác sĩ.
Theo suckhoedoisong.vn