1. Vì sao bị đầy hơi?
Đầy hơi, chướng bụng thường xảy ra khi một lượng lớn không khí tích tụ trong đường tiêu hóa và ăn uống là nguyên nhân chính gây đầy hơi, chướng bụng.
Đầy hơi, chướng bụng có nhiều nhiều nguyên nhân như táo bón gây tích tụ phân và ứ đọng các chất trong đường tiêu hóa; không dung nạp thức ăn hoặc hội chứng ruột kích thích (IBS); nhiễm trùng đường ruột; liệt dạ dày ảnh hưởng đến việc chậm làm rỗng dạ dày sau ăn, gây đầy hơi chướng bụng, trào ngược, buồn nôn và nôn… Ngoài ra, việc dùng một số loại thuốc lâu ngày như thuốc kháng sinh, giảm đau sẽ khiến các lợi khuẩn giảm mạnh, tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại phát triển gây ra chứng đầy hơi.
Khi xuất hiện dấu hiệu này, bệnh nhân thường xuất hiện các biểu hiện như có cảm giác bụng ậm ạch, khó chịu, ợ hơi nhiều lần, bụng căng tức. Đôi khi, sử dụng tay để vỗ nhẹ lên bụng sẽ xuất hiện những tiếng lộp bộp rất rõ ràng.
2. Các thuốc trị đầy hơi hiệu quả
Đầy hơi chướng bụng do sinh lý thường tự khỏi sau vài ngày mà không cần điều trị. Người bệnh cần thay đổi chế độ dinh dưỡng để thúc đẩy quá trình hồi phục và ổn định hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu tình trạng này không thuyên giảm, tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ có thể kê một (hoặc phối hợp) các thuốc dưới đây:
- Thuốc kháng acid: Nhóm thuốc này có tác dụng trung hòa acid dịch vị, được dùng để làm giảm các chứng đầy hơi, khó tiêu do thừa acid trong dạ dày. Có nhiều loại thuốc kháng acid như: Natri bicarbonat, canxi carbonat, nhôm oxit/nhôm phosphate, một số thuốc có chứa magie, các thuốc kháng acid kết hợp nhôm-magie (trimafort, maalox). Nhiều loại thuốc kháng acid có chứa thêm simethicone như trimafort sẽ giúp phá vỡ các bọt khí trong dạ dày, giúp giàm đầy hơi hiệu quả.
- Thuốc giảm tiết acid: Các thuốc giảm tiết acid làm giảm lượng acid tiết ra trong dạ dày, giúp làm giảm chứng ợ nóng, đầy hơi. Một số thuốc giảm tiết acid như famotidine, ranitidine (thuốc kháng histamin H2) và thuốc ức chế bơm proton (như lansoprazole và omeprazole...). Tuy nhiên, mỗi loại có cách sử dụng khác nhau, do đó, cần đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
- Men tiêu hóa: Các loại men tiêu hóa hỗ trợ chứng rối loạn tiêu hóa nên thường được xem là thuốc chữa đầy hơi, khó tiêu hiệu quả. Có thể sử dụng một số loại men tiêu hóa như: Neopeptin, alipase, festal...
Tuy nhiên cần lưu ý, chỉ nên dùng trong thời gian ngắn. Việc lạm dụng dùng men tiêu hóa có thể dẫn đến tình trạng ức chế khả năng tiết ra men tiêu hóa nội sinh hoặc gây tổn thương một số cơ quan nếu nồng độ men tiêu hóa quá cao.
Men tiêu hóa có thể tương tác với một số loại thuốc, do đó, để tránh tương tác xảy ra, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng và chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
3. Dùng thuốc trị đầy hơi sao cho an toàn?
Để dùng thuốc trị đầy hơi an toàn, người bệnh cần lưu ý:
- Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ dùng thuốc của bác sĩ.
- Tuân thủ cách dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Tuyệt đối không tăng/giảm liều thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Trong thời gian dùng thuốc, nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời, tránh biến chứng xảy ra.
Theo suckhoedoisong.vn