1. Nguyên nhân gây bệnh viêm khớp vẩy nến
Viêm khớp vẩy nến là một tình trạng viêm tiến triển của các khớp và gân (nơi gân và dây chằng bám vào xương), xảy ra khi hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức và tạo ra tình trạng viêm. Điều này dẫn đến đau và sưng. Viêm khớp vẩy nến liên quan đến bệnh vẩy nến ngoài da.
Hầu hết những người bị viêm khớp vẩy nến đều bị vẩy nến trước, mặc dù một số người không gặp vấn đề về da cho đến khi các triệu chứng khác bắt đầu.
Viêm khớp vẩy nến có 5 dạng:
- Ảnh hưởng đến các khớp nhỏ ở ngón tay và/hoặc ngón chân.
- Viêm khớp không đối xứng ở tay và chân một bên hoặc bên kia.
- Viêm đa khớp đối xứng: Tương tự như viêm khớp dạng thấp và ảnh hưởng đến cả hai bên như nhau ở nhiều khớp.
- Viêm khớp hoại tử: Hiếm gặp, phá hủy và biến dạng khớp.
- Viêm cột sống vẩy nến: Viêm khớp ở lưng dưới và cột sống.
Một số nguyên nhân gây viêm khớp vẩy nến:
- Di truyền: 40% người mắc bệnh viêm khớp vẩy nến có thành viên trong gia đình bị bệnh vẩy nến hoặc viêm khớp.
- Viêm họng liên cầu khuẩn: Người ta nghi ngờ rằng nhiễm trùng liên cầu khuẩn có thể là tác nhân gây bệnh.
Ngoài ra, những người béo phì, bệnh vẩy nến nặng, căng thẳng, chấn thương khớp hoặc xương, nhiễm trùng… cũng có khả năng mắc viêm khớp vẩy nến.
Các triệu chứng của viêm khớp vẩy nến rất khác nhau ở mỗi người, thông thường có thể gặp:
- Các mảng da bị viêm, có vẩy (bệnh vẩy nến) trên da đầu, khuỷu tay hoặc đầu gối.
- Cứng khớp, đau và sưng một hoặc nhiều khớp. Cứng khớp thường nặng hơn vào buổi sáng hoặc sau khi nghỉ ngơi.
- Đau ở những vùng gân hoặc dây chằng bám vào xương, thường là gót chân và lòng bàn chân.
- Sưng đau ở toàn bộ ngón tay hoặc ngón chân.
- Thường xuyên mệt mỏi, mệt mỏi bất thường hoặc thiếu năng lượng.
- Móng tay bị rỗ, vỡ vụn hoặc tách khỏi nền móng.
- Viêm mắt, dẫn đến đau mắt, đỏ mắt và mờ mắt. Cần điều trị kịp thời để ngăn ngừa mất thị lực.
- Bệnh viêm ruột.
Cần lưu ý, chỉ sử dụng thuốc chống viêm không steroid theo đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng, thời gian. Việc lạm dụng các thuốc nhóm này có thể gây kích ứng dạ dày, ruột, thậm chí có thể gây xuất huyết tiêu hóa.
2. Điều trị viêm khớp vẩy nến thế nào?
Do viêm khớp vẩy nến ảnh hưởng đến cả da và khớp nên đây là việc điều trị khá phức tạp. Phương pháp điều trị bao gồm sự kết hợp của thuốc và các liệu pháp không dùng thuốc như tập thể dục, massage, chườm nóng, chườm lạnh.
2.1. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trị viêm khớp vẩy nến
Các thuốc này giúp giảm tình trạng đau nhức, sưng tấy và cứng khớp mỗi buổi sáng. Thông thường các thuốc NSAID là liệu pháp đầu tay điều trị viêm khớp vẩy nến nhẹ, bao gồm ibuprofen hoặc naproxen.
Tuy nhiên, NSAID chỉ có tác dụng giảm đau và giảm viêm chứ không ngăn ngừa được tình trạng viêm khớp vẩy nến trở nên trầm trọng hơn.
Cần lưu ý, chỉ sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng, thời gian. Việc lạm dụng các thuốc nhóm này có thể gây kích ứng dạ dày, ruột, thậm chí có thể gây xuất huyết tiêu hóa. Do đó, để bảo vệ dạ dày, nên dùng NSAID sau khi ăn hoặc với thuốc kháng axit. NSAID thường có tác dụng trong vòng vài giờ.
2.2. Thuốc chống thấp khớp làm thay đổi bệnh (DMARD)
Các thuốc này giúp làm giảm các triệu chứng đau và viêm, đồng thời hạn chế tổn thương do viêm khớp vẩy nến. Thường dùng thuốc methotrexate, leflunomide và sulfasalazine. Đây là các thuốc có tác dụng chậm, do đó, sau dùng thuốc một thời gian (3 - 6 tháng) mới có tác dụng.
Khi sử dụng các thuốc này có thể gây một số tác dụng phụ: Tổn thương gan, ức chế tủy xương, viêm phổi, xơ hóa phổi.
2.3. Thuốc sinh học
Các thuốc sinh học có tác dụng làm giảm phản ứng miễn dịch, thường dùng cho bệnh nhân nặng hoặc không đáp ứng được với các thuốc NSAID/DMARD.
Có 5 loại thuốc sinh học điều trị vẩy nến gồm các thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u TNF-alpha (adalimumab, certolizumab, golimumab,...), thuốc ức chế interleukin IL-12/23 (ustekinumab), thuốc ức chế interleukin IL-17 (secukinumab, ixekizumab), thuốc ức chế interleukin IL-23 (guselkumab), thuốc ức chế tế bào T (abatacept).
Nhóm thuốc này có thể gây buồn nôn và tiêu chảy. Do thuốc ức chế miễn dịch làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, thiếu máu, tổn thương gan, thận... Do đó, người bệnh chỉ nên dùng thuốc đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ.
3.4. Corticosteroid
Các thuốc corticosteroid giúp ngăn hệ thống miễn dịch tạo ra cytokine, là các protein nhỏ truyền tải thông điệp giữa các tế bào miễn dịch. Khi các thông điệp này bị gián đoạn, hệ thống miễn dịch sẽ chậm lại. Thuốc cũng làm giảm số lượng một số tế bào miễn dịch, như tế bào B và T, giúp chống lại nhiễm trùng. Các thuốc này thường được dùng với các loại thuốc khác (như DMARD) để tăng tác dụng điều trị.
Ngoài ra, có thể sử dụng corticosteroid tiêm vào khớp để giảm đau tạm thời trong thời gian bùng phát: Thường dùng điều trị các tổn thương nhỏ hoặc khó trị. Corticosteroid tại chỗ được lựa chọn theo mức độ bệnh.
Lưu ý, khi các tổn thương do viêm khớp vẩy nến giảm, cần giảm thời gian sử dụng và giảm liều corticosteroid để giảm thiểu các tác dụng phụ của thuốc (giảm teo tại chỗ, rạn da và giãn mạch).
Có thể áp dụng một số liệu pháp không dùng thuốc để giảm các triệu chứng của bệnh: Tập thể dục, massage, chườm nóng và lạnh, vật lý trị trị liệu…
4. Lưu ý khi dùng thuốc
Để dùng thuốc an toàn, người bệnh cần tuân thủ:
- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.
- Không tự ý tăng/giảm/ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ,
- Không dùng lại đơn thuốc cũ/đơn thuốc của người khác.
- Trong thời gian điều trị, nếu gặp bất cứ triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
Theo suckhoedoisong.vn