Nó cung cấp dinh dưỡng đi nuôi cơ thể suốt từ khi sinh ra đến khi trưởng thành và dặm dài sự sống của con người. Ở người cao tuổi, chức năng tiêu hóa kém dần, các bệnh của hệ tiêu hóa cũng dễ gặp hơn...

Khi tuổi cao, hệ tiêu hóa đồng thời giảm cả 3 chức năng: co bóp, tiết dịch và hấp thu. Chính vì những lý do này mà nhiều chứng bệnh đường tiêu hóa phát sinh như nghẹn, nấc, đầy bụng, táo bón hoặc phân không thành khuôn.

Nghẹn

Theo tiến trình tự nhiên, lớp cơ của hệ tiêu hóa khi về già đều ít hay nhiều teo đi và do vậy giảm sức co bóp. Bình thường, các thớ cơ vòng ở thực quản luôn luôn ở tình trạng co nhẹ (có trương lực) khiến ống này kín mít, nhưng khi làm động tác “nuốt” thì đoạn trên thực quản mở ra để nhận thức ăn và ngay sau đó co lại để đẩy thức ăn xuống đoạn dưới (đã kịp mở ra chờ đón); cứ vậy, thức ăn bị đẩy xuống dạ dày chỉ hết vài ba giây đồng hồ.

Nhưng ở người cao tuổi, đoạn thực quản vừa giãn (hay vừa co) thì “trơ” ra, phải mất thời gian lâu hơn mới phục hồi để co (hay giãn) tiếp được, nhất là sự phối hợp co - giãn của đoạn trên với đoạn dưới mất nhịp nhàng làm người già dễ bị nghẹn. Do vậy, trong bữa ăn, người già thường phải tạm ngừng ăn một chút, uống một ngụm nước nhỏ rồi mới ăn tiếp. Tuy nhiên, nếu nghẹn xảy ra liên tiếp, nhiều lần thì cần gặp thầy thuốc, vì rất có thể chứng nghẹn bắt nguồn từ nguyên nhân khác.

Duy trì chế độ ăn với đủ thành phần, uống đủ nước và thường xuyên luyện tập sẽ giúp người cao tuổi có hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

Duy trì chế độ ăn với đủ thành phần, uống đủ nước và thường xuyên luyện tập sẽ giúp người cao tuổi có hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

Sa dạ dày

Nếu dạ dày co bóp kém có thể làm dạ dày sa xuống thấp ở các mức độ từ nhẹ tới nặng (gặp ở 1/3 số người trên 70 tuổi). Trường hợp dạ dày sa xuống thấp sẽ gây cảm giác đầy bụng sau khi ăn: thức ăn tồn lưu rất lâu trong dạ dày, gây cảm giác ậm ạch, nặng bụng.

Một nguyên nhân khác làm sa dạ dày là các bắp thịt (cơ) ở thành bụng bị “nhẽo” - mà bằng chứng là khi đứng thẳng, bụng cứ trướng ra phía trước mà không liên quan đến lớp mỡ dày ở thành bụng.

Sỏi mật

Từ tuổi 40, túi mật đã bắt đầu có dấu hiệu “già”, túi mật teo đi (chứa được ít mật), các cơ ở vách túi mật kém sức co bóp (đẩy không hết mật xuống ruột). Ngoài ra, gan cũng kém sản xuất mật, lượng mật còn sót lại dễ tạo sỏi. Do vậy, người già dễ mắc bệnh sỏi mật hơn người trẻ.

Cảm giác ăn không ngon

Sự co bóp các cơ ruột cũng thường suy giảm ở cơ thể người cao tuổi khiến thức ăn vận chuyển từ đoạn ruột trên xuống đoạn dưới chậm nên nhiều người cao tuổi thường không có cảm giác đói khi đến bữa ăn. Tuy nhiên, còn những nguyên nhân khác gây cảm giác mất ngon miệng như: suy giảm vị giác, lượng nước bọt, hoặc có một bệnh mạn tính khiến cơ thể mệt mỏi, đau đớn; hoặc đang lo lắng, bực dọc khiến tâm thần bất an hoặc do mất ngủ, cũng khiến bữa ăn kém ngon miệng.

Viêm loét dạ dày

Khi độ toan ở dịch vị giảm (do tuổi cao), vi khuẩn Helicobacter Pylori (viết tắt là HP) sẽ gây viêm loét dạ dày. Ngoài ra, người cao tuổi có thể bị viêm loét dạ dày do tác dụng phụ của một số thuốc người cao tuổi hay dùng như thuốc xương khớp, thuốc tim mạch...

Táo bón

Táo bón (khó đại tiện, đại tiện phân khô và rắn) là vấn đề thường gặp nhất ở người cao tuổi. Do giảm nhu động của đại tràng cản trở thức ăn di chuyển trong phần còn lại của ống tiêu hóa và đi ra ngoài cơ thể. Tăng thời gian lưu thông của khối thức ăn trong ruột làm tái hấp thu nước nhiều hơn dẫn tới tỷ lệ táo bón gia tăng ở người cao tuổi. Táo bón dễ thành mạn tính và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, nếu không được điều trị kịp thời có thể đe dọa tính mạng. Bên cạnh các thay đổi theo tuổi, hạn chế vận động cũng là tác nhân chủ yếu gây ra táo bón. Uống đủ nước là một trong những khuyến cáo nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ táo bón ở người cao tuổi. Lượng nước đưa vào hàng ngày nên là 0 -35ml/kg cân nặng. Duy trì chế độ ăn với đủ thành phần, các loại rau lá xanh và ngũ cốc cũng rất tốt cho điều trị táo bón. Tập thể dục đem lại hiệu quả nhanh và đáng kể.

Són phân

Són phân là việc rỉ phân ngoài ý muốn. Rỉ phân có thể xảy ra một phần do tuổi cao nhưng cũng có thể do: tiền sử són tiểu, bệnh lý thần kinh, ít vận động, lú lẫn, người trên 70 tuổi. Giống như táo bón, chế độ ăn giàu chất xơ và đẩy đủ thành phần, đủ nước và luyện tập thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa và điều trị són phân. Với bệnh nhân không đủ minh mẫn, cần phải luyện tập thói quen đi ngoài. Việc này có thể được thực hiện bằng cách xác định thời gian thường són phân trong ngày thông qua nhật ký đại tiện. Khi quy luật thời gian của són phân đã được xác định, người cao tuổi có thể được khuyến khích và hỗ trợ đi đại tiện khoảng nửa giờ trước thời gian són phân bình thường. Với những trường hợp nặng, cơ thắt hậu môn có thể bị rách và cần phẫu thuật để điều trị.