|
|
Căng thẳng kép dài cũng ảnh hưởng đến chức năng hô hấp. Ảnh: Freepik |
Stephen Baldassarri - bác sĩ tại Yale Medicine (Mỹ) cho biết, sức khỏe phổi tác động đến các cơ quan khác như: não, đường ruột, chức năng miễn dịch, hệ cơ xương. Bên cạnh khói thuốc lá, virus... thì béo phì, căng thẳng có thể gây tổn thương phổi, theo Eat this, Not that.
Béo phì
Jorge Moreno - chuyên gia y học tại Yale Medicine (Mỹ), cho biết những người thừa cân hoặc béo phì dễ bị hụt hơi khi đi cầu thang bộ hoặc thực hiện các hoạt động thể chất khác. Bởi lẽ, mỡ thừa ở bụng ức chế khả năng của cơ hoành để hút không khí vào và mở rộng phổi một cách thích hợp. Những người béo phì thường có thể tích phổi nhỏ hơn, điều này dẫn đến khó thở.
Ngoài ra, khi chất béo tích tụ dưới da, các tế bào mỡ sẽ tiết ra hormone. Tiến sĩ Moreno giải thích, những hormone này có thể gây viêm khắp cơ thể, bao gồm cả phổi. Các nghiên cứu mới đây cho thấy béo phì được coi là một trong số những yếu tố dự báo mức độ trầm trọng của bệnh Covid-19. Nhiều bệnh nhân béo phì nhiễm nCoV có triệu chứng nghiêm trọng dù không có bệnh nền.
Các chuyên gia khuyên, mỗi người nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học với thực phẩm toàn phần, rau, trái cây, chất xơ và protein từ thực vật để bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh đó, bạn cố gắng vận động ở mức độ vừa phải, ít nhất 20 phút mỗi ngày.
Stress
Trong những tình huống căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra các hormone như adrenaline và cortisol, đồng thời thở nhanh. Nếu phổi khỏe mạnh, điều này không nguy hiểm. Tuy nhiên, ở những người bị bệnh như COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) hoặc hen suyễn thì không khí vào và ra khỏi phổi trở nên khó khăn. Điều này có thể làm tăng khó thở, gây ra cảm giác hoảng sợ.
Việc giải phóng nhiều cortisol hơn cũng có thể gây ra những thách thức khác, bao gồm tăng cảm giác thèm ăn. Đối với những người hút thuốc, căng thẳng có thể gây ra cảm giác muốn hút thuốc nhiều hơn.
Để bảo vệ sức khỏe phổi, mỗi người nên thực hiện một lối sống lành mạnh, bao gồm ăn uống đầy đủ, không hút thuốc, giảm căng thẳng. Mỗi người tăng cường sức khỏe tinh thần bằng cách ngủ đủ giấc vào ban đêm, dành thời gian mỗi ngày để thiền định, tập thở, sống vui vẻ bên gia đình.
Chất lượng không khí
Các chất gây ô nhiễm trong nhà, ngoài trời đều có thể làm trầm trọng thêm bệnh nhiễm trùng phổi, ung thư, hen suyễn, khiến người bệnh mệt mỏi. Các tác nhân ô nhiễm này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển phổi của trẻ.
Bạn có thể kiểm tra chỉ số chất lượng không khí trong nhà, địa phương mình sinh sống bằng một hệ thống theo dõi ô nhiễm ozone và ô nhiễm hạt (từ tro bụi, nhà máy điện, khí thải xe cộ, bụi đất và phấn hoa), các chất ô nhiễm phổ biến khác. Điều này giúp bạn biết khi nào không nên ra khỏi nhà. Mỗi người nên tránh tập thể dục ngoài trời khi không khí ô nhiễm, xe cộ đi lại đông đúc.
Theo vnexpress