1. Những chất dinh dưỡng tốt nhất trong quả chanh
Chanh được xếp vào danh sách những loại trái cây có lợi cho sức khỏe vì nó có hàm lượng dinh dưỡng tốt. Theo phân tích thành phần dinh dưỡng, trong một quả chanh lớn (84g) chứa khoảng:
- Lượng calo: 75
- Tổng lượng carbohydrate: 7,8g
- Chất xơ: 2,4g
- Tổng lượng chất béo: 0,2g
- Chất đạm: 1g
- Natri: 1,7mg (1% giá trị hằng ngày - DV)
- Vitamin C: 44,5mg (49% DV)
- Vitamin B6: 0,067mg (4% DV)
- Sắt: 0,5mg (3% DV)
- Kali: 116mg (2% DV)
Ngoài ra, chanh còn chứa một lượng nhỏ thiamin, folate, canxi, magie và đồng.
Những chất dinh dưỡng nổi bật nhất trong quả chanh bao gồm:
Vitamin C: Một quả chanh chứa đến 49% nhu cầu vitamin C hàng ngày. Đây là chất dinh dưỡng có tác dụng hỗ trợ miễn dịch, tăng cường sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa suy giảm nhận thức và giúp cải thiện sự hấp thụ sắt từ chế độ ăn uống.
Chất xơ: Chất xơ là một loại carbohydrate hỗ trợ tiêu hóa và giảm cholesterol. Chất xơ chính bên trong quả chanh là chất xơ hòa tan được gọi là pectin, được tìm thấy trong cùi chanh, giúp cải thiện sức khỏe đường ruột và làm chậm quá trình tiêu hóa đường, hỗ trợ giảm lượng đường trong máu.
Acid citric: Acid citric là một loại acid được tìm thấy tự nhiên trong tất cả các loại trái cây họ cam quýt, nhất là chanh.
Acid citric đã được chứng minh là làm tăng lượng nước tiểu và hỗ trợ ngăn ngừa sỏi thận. Khi bạn tiêu thụ nước chanh, lượng citrate (chất trung gian trong chu trình acid citric) trong nước tiểu tăng lên, giúp ức chế hình thành sỏi thận một cách tự nhiên và đồng thời góp phần phá vỡ những viên sỏi nhỏ đã tồn tại.
Nghiên cứu cũng cho thấy, uống nước chanh chứa acid citric có thể hỗ trợ làm giảm mệt mỏi về thể chất. Acid citric làm giảm viêm trong cơ thể và giúp hỗ trợ điều chỉnh lượng đường trong máu, góp phần cải thiện mức năng lượng.
2. Cách ăn chanh có lợi cho sức khỏe nhất
Mặc dù thành phần dinh dưỡng của chanh khá ấn tượng nhưng cần sử dụng chanh đúng cách. Có thể sử dụng chanh bằng nhiều cách như: uống nước chanh tươi, sinh tố chanh, kết hợp chanh vào các đồ uống khác để tăng hương vị; dùng chanh làm gia vị trong các món ăn…
Tuy nhiên cần lưu ý, do trong chanh có nhiều acid citric nên ăn hoặc uống trực tiếp quá nhiều có thể khiến men răng bị bào mòn và tăng độ nhạy cảm. Theo BSCKI Lê Thục Trinh, chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Quân y 354, có nhiều người thường uống nước chanh vào buổi sáng với mục đích thải độc hoặc giảm cân nhưng do nước chanh có tính acid nên có tác động nhất định đến răng, nếu tiếp xúc liên tục với acid sẽ làm mòn men răng.
Cách tốt nhất là bạn nên giảm lượng nước cốt chanh, chỉ dùng ½ quả chanh hoặc uống nước với 1-2 lát chanh. Khi uống nên dùng ống hút để giảm tiếp xúc của nước chanh với răng. Sau khi uống nước chanh nên súc miệng với nước lọc và không đánh răng sau khi uống nước chanh.
Thực phẩm có tính acid như nước chanh cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh lý dạ dày, trào ngược thực quản. Do đó cần lưu ý sử dụng với một liều lượng vừa phải, uống đúng cách và uống vào thời điểm phù hợp.
Người có bệnh dạ dày tuyệt đối không nên ăn chanh hoặc uống nước chanh khi bụng đói vì có thể gây bào mòn niêm mạc dạ dày khiến tình trạng đau trầm trọng hơn.
Thời điểm tốt nhất để uống nước chanh là sau khi ăn no khoảng 30 phút. Không nên uống nước chanh đậm đặc, cần pha loãng với nhiều nước ấm trước khi uống để giảm nồng độ acid.
Theo suckhoedoisong.vn