Cách bảo vệ trẻ khi gia đình có F0 điều trị tại nhà
Cập nhật lúc 23:46, Chủ nhật, 19/09/2021 (GMT+7)
Khi có người thân mắc Covid-19 được điều trị tại nhà, cha mẹ cần chú ý để bảo vệ con khỏi lây nhiễm nCoV.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, khi trong nhà có người nhiễm nCoV, cần cách ly F0 khỏi các thành viên khác. Đặc biệt với trẻ nhỏ, cha mẹ nên khuyên con tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh.
Nếu không có phòng riêng, các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ, cần duy trì khoảng cách với F0 ít nhất 2 m.
Những điều cha mẹ cần làm
Cha mẹ nên khuyến khích trẻ đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và đúng cách. Đối với trẻ dưới 2 tuổi hoặc trẻ gặp các vấn đề về hô hấp, bệnh lý dẫn đến việc không thể đeo khẩu trang, người thân xung quanh cần tuân thủ việc đeo khẩu trang.
Gia đình luôn làm sạch và khử trùng các bề mặt trong nhà như tay nắm cửa, điều khiển tivi.., đặc biệt là đồ chơi, vật dụng của trẻ.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), cha mẹ nên giải thích với trẻ rằng con có vai trò quan trọng trong việc giữ cho bản thân cộng đồng sống khỏe mạnh bằng cách tạm thời hạn chế tiếp xúc với người khác.
Khi phải cách ly tại nhà, cha mẹ nên khuyến khích trẻ tự nghĩ ra các hoạt động thể chất mà con có thể làm và không tiếp xúc trực tiếp với F0 và những người sống cùng.
Trẻ nên đeo khẩu trang khi trong nhà có người thân mắc Covid-19. Ảnh: Gulfnews.
Dấu hiệu cảnh báo trẻ nhiễm nCoV
Theo tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm chuyên môn về Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ em và thanh thiếu niên có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn so với người lớn.
Hầu hết người nhiễm SARS-CoV-2 đều có các triệu chứng về đường hô hấp. Họ bắt đầu cảm thấy không khỏe, sốt, ho, đau họng hoặc hắt hơi. Những người khác mất khứu giác hoặc vị giác.
Đặc biệt là ở trẻ nhỏ, chúng có xu hướng nhẹ hơn, có nghĩa là chúng không có nhiều triệu chứng như người lớn. Một số trẻ em có thể có các triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy hoặc nôn mửa, nhưng cũng nhẹ. Thậm chí, nhiều trẻ mắc Covid-19 mà không có triệu chứng nào.
Một số dấu hiệu mắc bệnh ở trẻ cha mẹ cần chú ý để liên hệ với bác sĩ ngay lập tức:
- Sốt dai dẳng kéo dài hơn 24 giờ.
- Kiệt sức, cảm thấy rất mệt mỏi.
- Đau bụng.
- Tiêu chảy.
- Buồn nôn.
- Phát ban.
- Viêm kết mạc (mắt đỏ).
- Đau cổ.
Theo Zing