1. Khổ sở vì viêm âm đạo do nấm dai dẳng, hay tái phát
Gần một năm nay chị Lê Thị H. ở Cầu Giấy (Hà Nội) khổ sở vì căn bệnh viêm âm đạo do nấm phải đi khám nhiều lần tại bệnh viện chuyên khoa phụ sản. Đến lần tái khám vào tháng 7 gần đây bệnh mới khỏi dứt điểm.
Chị cho biết, nguyên nhân do lần đầu khi có biểu hiện ngứa, đau âm đạo và ra khí hư nhiều, chị đã đi khám nhưng lại dùng thuốc không đầy đủ theo bác sĩ dặn. Một thời gian sau thấy có triệu chứng tái phát nhưng chị lần lữa không đi khám vì ngại làm các thủ tục xét nghiệm, chỉ ra hiệu thuốc mô tả triệu chứng rồi mua thuốc tự điều trị nhưng không thấy đỡ mà các biểu hiện còn nặng hơn.
Khi đến khám tại bệnh viện chuyên khoa, chị được bác sĩ cho làm các xét nghiệm lại, cho đơn thuốc đồng thời cẩn thận dặn cần phải dùng đúng và đầy đủ, khi hết thuốc phải khám lại ngay đến khi điều trị khỏi nấm. Rút kinh nghiệm, lần này thực hiện đúng lời dặn của bác sĩ, bệnh của chị mới khỏi dứt điểm.
Theo các bác sĩ, thực tế có nhiều phụ nữ sau điều trị nấm âm đạo rất hay tái phát có nhiều nguyên nhân như: không tuân thủ đúng hướng dẫn dùng thuốc, không tái khám và xét nghiệm lại theo đúng lịch hẹn dẫn đến tình trạng thuốc uống thuốc chưa đủ liều, chưa trị dứt điểm sạch nấm; do chồng không hợp tác điều trị, vệ sinh cá nhân kém, mặc đồ lót ẩm ướt…
Đặc biệt tình trạng tự ý dùng thuốc điều trị không đúng cũng làm tăng nguy cơ kháng thuốc và tái phát viêm âm đạo do nấm. Vậy nguyên nhân gây viêm âm đạo do nấm là gì và phụ nữ cần lưu ý gì để điều trị dứt điểm căn bệnh khó chịu này?
2. Nguyên nhân gây viêm âm đạo do nấm
Theo các bác sĩ sản phụ khoa, viêm âm đạo do nấm là một bệnh nhiễm trùng do nấm men, một loại nấm có tên là candida gây ra. Thuật ngữ được sử dụng phổ biến cho bệnh nấm candida ở âm đạo là nhiễm nấm âm đạo. Ngoài ra còn một số cách gọi khác là nhiễm nấm candida âm đạo, nhiễm nấm candida âm hộ hoặc viêm âm đạo do nấm.
Thông thường, nấm candida thường sống trên da và các cơ quan bên trong cơ thể như: miệng, họng, ruột, âm đạo mà không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên, nấm candida có thể gây nhiễm trùng nếu các điều kiện bên trong âm đạo thay đổi tạo điều kiện cho nấm phát triển.
Những yếu tố khác như hormone, thuốc hoặc những thay đổi trong hệ thống miễn dịch có thể làm tăng khả năng nhiễm trùng.
3. Trường hợp nào dễ mắc bệnh?
Nhiễm nấm candida âm đạo là căn bệnh rất phổ biến. Những phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh nấm candida âm đạo bao gồm các trường hợp sau:
- Phụ nữ đang mang thai
- Sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố (ví dụ thuốc tránh thai)
- Mắc bệnh đái tháo đường
- Có hệ thống miễn dịch suy yếu (ví dụ do nhiễm HIV hoặc do sử dụng các loại thuốc như steroid và hóa trị)
- Đang dùng hoặc gần đây đã dùng thuốc kháng sinh
4. Cần đi khám sớm khi có dấu hiệu nhiễm nấm âm đạo
Khi bị nhiễm nấm candida âm đạo, người bệnh thường có các triệu chứng bao gồm: Ngứa hoặc đau âm đạo, đau khi quan hệ tình dục, đau hoặc khó chịu khi đi tiểu, tiết dịch âm đạo bất thường. Một số phụ nữ có thể bị nhiễm trùng nặng, gây sưng, đỏ và nứt trên thành âm đạo…
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, chị em nên đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và có biện pháp điều trị đúng.
Chẩn đoán viêm âm đạo do nấm candida trên lâm sàng khi có biểu hiện khó tiểu và ngứa âm hộ, đau, sưng và đỏ… Các dấu hiệu khác bao gồm phù nề âm hộ, nứt nẻ, trầy xước và tiết dịch âm đạo đông đặc.
Thông thường, phương pháp điều trị là bôi thuốc chống nấm vào bên trong âm đạo hoặc dùng một thuốc qua đường uống. Ngoài ra có thể cần kết hợp các phương pháp khác trong trường hợp nhiễm trùng nặng hơn. Sử dụng biện pháp nào cần do bác sĩ chuyên khoa khám và cân nhắc chỉ định phù hợp, tuyệt đối không tự ý hoặc nghe theo lời mách bảo.
5. Làm gì để bệnh khỏi dứt điểm?
Theo ThS.BS Lê Quang Dương, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sức khoẻ bền vững, chuyên gia về sức khỏe sinh sản, viêm âm đạo do nấm candida tuy không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và quan hệ tình dục. Nếu điều trị muộn hoặc điều trị không đúng cách sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
Do đó, khi có dấu hiệu nghi ngờ bị viêm âm đạo do nấm, chị em tuyệt đối không tự ý điều trị bệnh tại nhà và không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa được bác sĩ chuyên khoa khám và chỉ định. Chị em cần tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ, khi dùng hết đơn thuốc phải tái khám và xét nghiệm lại đến khi khỏi dứt điểm.
Lưu ý, cần điều trị cho cả vợ và chồng vì rất dễ lây bệnh cho nhau khi quan hệ tình dục. Tốt nhất nên đợi cho đến khi điều trị khỏi hoàn toàn mới nên quan hệ tình dục trở lại.
Theo suckhoedoisong.vn