Viêm tuyến nước bọt là tình trạng nhiễm khuẩn của tuyến nước bọt. Các tuyến nước bọt trong cơ thể bao gồm tuyến mang tai, dưới lưỡi và dưới hàm trong đó viêm tuyến nước bọt mang tai là hay gặp nhất, đặc biệt là ở trẻ em.

Diễn biến của viêm tuyến nước bọt gồm:

  • Viêm tuyến nước bọt cấp tính: thường kéo dài trong 1-2 tuần
  • Viêm tuyến nước bọt mãn tính: đợt viêm kéo dài từ vài tuần đến vài tháng
  • Viêm tuyến nước bọt tái phát: tái đi tái lại nhiều lần

Các yếu tố khiến trẻ dễ bị viêm tuyến nước bọt

Yếu tố liên quan đến trẻ:

  • Trẻ tuổi từ 12 tháng – 6 tuổi dễ nhiễm các virus nói chung, riêng quai bị hay gặp ở trẻ 5-9 tuổi
  • Trẻ chưa được tiêm phòng vaccine MMR
  • Viêm tuyến nước bọt tự miễn hay gặp ở trẻ gái tuổi dậy thì
  • Viêm tuyến nước bọt tái phát chủ yếu gặp ở trẻ trai 1-16 tuổi
  • Tiếp xúc gần với trẻ bị quai bị
  • Vệ sinh răng miệng kém
  • Trẻ bị mất nước
  • Trẻ bị HIV/AIDS, hoặc có bệnh nền kèm theo

Yếu tố môi trường:

  • Thay đổi thời tiết
  • Ô nhiễm môi trường
  • Điều kiện dinh dưỡng kém
  • Nhà cửa chật chội, ẩm thấp…
Viêm tuyến nước bọt mang tai ở trẻ em và những điều cha mẹ cần biết!

Viêm tuyến nước bọt mang tai là hay gặp nhất ở trẻ em. Ảnh minh họa

Dấu hiệu nhận biết trẻ viêm tuyến nước bọt

Các dấu hiệu giúp cha mẹ nhận biết trẻ bị viêm tuyến nước bọt bao gồm:

  • Sốt
  • Triệu chứng giống cảm cúm
  • Giảm vị giác
  • Khó há miệng, đau góc hàm, khô miệng, khó nuốt
  • Sưng đỏ, đau góc hàm hoặc dưới hàm 1 hoặc 2 bên nếu căn nguyên là vi khuẩn, nếu là virus như quai bị thì chỉ sưng đau 1 bên sau tai sau đó có thể lan sang 2 bên.

Chăm sóc trẻ bị viêm tuyến nước bọt tại nhà

Một số cách chăm sóc tại nhà mà cha mẹ có thể áp dụng khi trẻ bị viêm tuyến nước bọt bao gồm:

  • Hạ sốt giảm đau
  • Chườm ấm tích cực (nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được)
  • Nếu trẻ sốt ≥ 38,5°C hoặc đau nhiều, cho trẻ uống thuốc hạ sốt giảm đau theo chỉ định của bác sĩ
  • Vệ sinh mũi miệng
  • Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ
  • Người chăm sóc cần rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chăm sóc, dọn vệ sinh và chuẩn bị đồ ăn cho trẻ.

Trẻ bị viêm tuyến nước bọt ăn gì?

Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, lỏng, dễ tiêu, dễ nuốt. Nếu bị quai bị, cho trẻ nghỉ tại nhà 5-7 ngày, tránh vận động mạnh.

Cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia nhiều bữa trong ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường, không nên ép trẻ ăn hết phần thức ăn đã chuẩn bị.

Lưu ý: Không phải tất cả các trường hợp trẻ bị viêm tuyến nước bọt đều cần điều trị tại bệnh viện. Trẻ có thể điều trị tại nhà nếu viêm ở mức độ nhẹ. Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám khi trẻ có một trong các dấu hiệu: Sốt cao, khó thở hoặc khó nuốt, trẻ quấy khóc nhiều, bỏ bú, nôn mọi thứ ăn vào, co giật, li bì, khó đánh thức…

Theo suckhoedoisong.vn