1. Bệnh viêm mao mạch dị ứng là gì?

Viêm mao mạch dị ứng hay còn gọi là ban xuất huyết dạng thấp, ban xuất huyết phản vệ, hội chứng viêm mạch Schonlein-Henoch. Bệnh xuất hiện ở trẻ em nhiều hơn, gặp ở trẻ nam nhiều hơn nữ.

Đến nay nguyên nhân gây ra bệnh vẫn chưa được làm rõ, nhưng một số yếu tố nguy cơ khiến có thể tác động gây ra bệnh như sau:

- Người có cơ địa dị ứng: Có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do cơ thể tiếp xúc với dị nguyên (thời tiết, thức ăn…) xảy ra phản ứng kháng nguyên và kháng thể. Do sự phản ứng miễn dịch giữa kháng nguyên và kháng thể diễn ra trên lớp nội mạc mạch sẽ giải phóng ra các chất trung gian hóa học. Từ đó xuất hiện sự lắng đọng của phức hợp miễn dịch tại lớp niêm mạc của mao mạch và gây ra tổn thương dẫn đến hiện tượng xuất huyết dưới da hoặc trên các cơ quan khác.

Ai dễ mắc bệnh viêm mao mạch dị ứng? Điều trị thế nào? - Ảnh 1.

Xuất huyết dưới da - một biểu hiện của viêm mao mạch dị ứng.

- Nhiễm trùng: Sau khi cơ thể nhiễm một số chủng vi khuẩn (liên cầu nhóm A, Mycoplasma, tụ cầu) hoặc virus (Varicella virus, Cytomegalovirus, Epstein-Barr virus, Parvovirus B19, Campylobacter)...

- Phản ứng với thuốc hoặc vaccine cũng có thể gây ra bệnh.

Khi bị viêm mao mạch dị ứng, bệnh nhân sẽ xuất hiện một số triệu chứng, tùy vị trí tổn thương:

- Trên da: Khoảng 50% trường hợp lần đầu mắc bệnh có các triệu chứng trên da, với các biểu hiện có các đốm xuất huyết dạng chấm tại mặt gấp của tay chân, quanh mắt cá chân, đùi, mông, cánh tay...

- Tại khớp: Khoảng 75% trường hợp có các triệu chứng tại khớp với các ban xuất huyết ở cổ chân, gối, khuỷu, phù quanh khớp… Khác với xuất huyết trên da, các xuất huyết tại khớp gây ra đau, khiến bệnh nhân bị hạn chế vận động.

- Tiêu hóa: Nếu bệnh gây tổn thương tại đường tiêu hóa sẽ gây ra các triệu chứng đau bụng quanh rốn, có thể đau liên tục hoặc từng đợt dữ dội... thậm chí bệnh xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu, đi ngoài phân đen)...

- Thận: Tổn thương thận xảy ra ở giai đoạn viêm mao mạch dị ứng cấp tính với triệu chứng đi tiểu ra máu.

Ngoài các cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nêu trên, bệnh có thể ảnh hưởng đến một số cơ quan khác ít gặp hơn như tim, viêm tinh hoàn, phổi, mắt.

2. Điều trị viêm mao mạch dị ứng bệnh bằng cách nào?

Nguyên tắc chung của điều trị viêm mao mạch dị ứng là hằng ngày luôn phải đảm bảo lượng nước uống, chất điện giải. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần được theo dõi đến nước tiểu có tính chất bất thường.

Nếu bệnh nhân có các biểu hiện đau bụng dữ dội, xuất huyết tiêu hóa, suy thận cấp... cần phải nhập viện để được điều trị cấp cứu, phòng biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Các thuốc dùng trong điều trị viêm mao mạch dị ứng bao gồm:

- Vitamin C: Giúp tăng cường thành mạch mạnh khỏe, ngừa xuất huyết.

- Thuốc giảm đau: Kiểm soát đau là mục tiêu trong điều trị cho người bệnh nhằm nâng cao chất lượng sống. Thuốc giảm đau được lựa chọn đầu tiên là nhóm kháng viêm không steroid (NSAID) để giảm đau sưng tại khớp và mô mềm. Lưu ý liều lượng thuốc hiệu quả nhưng không làm xấu đi bệnh thận ở trường hợp bệnh nhân có suy thận.

Thuốc giảm đau NSAID có thể gây tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, do đó cần lưu ý sử dụng thuốc dự phòng viêm loét dạ dày. Bệnh nhân có đau nhức, sốt do viêm khớp, có thể chỉ định dùng acetaminophen để giảm đau, hạ sốt.

Ai dễ mắc bệnh viêm mao mạch dị ứng? Điều trị thế nào? - Ảnh 3.

Viêm mao mạch dị ứng gây viêm, đau tại các khớp.

- Corticoid: Thuốc này thường được bác sĩ chỉ định điều trị tình trạng phù dưới da và viêm thận trong viêm mao mạch dị ứng. Corticoid cũng là nhóm thuốc cải thiện triệu chứng viêm đau khớp ở người bệnh. Hơn nữa, việc sử dụng nhóm này cũng giúp ngăn ngừa hoặc điều trị biến chứng của viêm mao mạch dị ứng tại thận.

Cũng như NSAID, khi dùng corticoid cần lưu ý về các tác dụng phụ, trong đó có gây xuất huyết tiêu hóa. Bệnh nhân nên tuân thủ dùng thuốc đúng theo chỉ định.

- Thay huyết tương: Trường hợp bệnh nhân đã sử dụng steroid nhưng kháng trị, thì phương pháp thay huyết tương có thể được tính toán để thay thế.

Do viêm mao mạch dị ứng có thể gây tổn thương trên đa cơ quan cùng lúc, nên để điều trị toàn diện, cần phối hợp nhiều chuyên khoa để hội chẩn và đưa ra phác đồ điều trị đúng đắn. Việc phối hợp này nhằm tăng hiệu quả điều trị và hạn chế tác dụng phụ, tương tác thuốc.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần ăn nhạt, khám và làm các xét nghiệm để đánh giá chức năng thận, huyết áp thường xuyên.

Theo suckhoedoisong.vn