1. Khô miệng gây hậu quả gì?

Khô miệng là tình trạng tuyến nước bọt không sản xuất đủ nước bọt để giữ ẩm cho miệng. Điều này có thể do dùng một số loại thuốc, điều trị ung thư và bệnh đái tháo đường. Cụ thể:

  • Xạ trị ở đầu và cổ
  • Thở bằng miệng
  • Sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng histamine, thuốc thông mũi, thuốc giảm đau, thuốc lợi tiểu và thuốc chống trầm cảm…
  • HIV/AIDS và các rối loạn khác làm suy yếu hệ thống miễn dịch
  • Hội chứng Sjögren (một bệnh tự miễn ảnh hưởng đến tuyến nước bọt)…

Khô miệng cũng có thể xảy ra khi cơ thể già đi. Khi bị khô miệng, bạn sẽ thường xuyên cảm thấy hơi thở hôi, nước bọt đặc dính, niêm mạc miệng và cổ họng khô, giảm cảm giác ngon miệng, khó nhai, nuốt và nói…

Điều gì xảy ra nếu không khắc phục chứng khô miệng?

Nếu không được điều trị, khô miệng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn như:

  • Khó nói
  • Khó nuốt
  • Vết loét hoặc nhiễm trùng trong miệng
  • Giảm khẩu vị
  • Sâu răng
  • Bệnh về nướu...
photo-1701161466461
 

Hơi thở có mùi hôi là một trong những dấu hiệu nhận biết khô miệng.

2. Biện pháp tại nhà giảm nhanh triệu chứng khô miệng

Uống nhiều nước

Mất nước là một trong những nguyên nhân chính gây khô miệng, vì vậy điều quan trọng là đảm bảo bạn uống nhiều nước trong ngày. Nước tinh khiết hay nước lọc luôn là lựa chọn tốt nhất, nhưng bạn cũng có thể thử dùng nước trái cây không đường hoặc trà thảo mộc.

Bên cạnh đó, cần tránh những thói quen dẫn đến mất nước, có thể gây khô miệng như hút thuốc, uống rượu và tập luyện cường độ cao. Nếu bạn đang thực hiện bất kỳ hoạt động nào trong số này, hãy đảm bảo uống nhiều nước để bù đắp tác động của mất nước với cơ thể.

photo-1701161467019

Uống đủ nước giúp giảm khô miệng.

Thở bằng mũi

Thở bằng mũi có thể giúp lọc bụi và các chất gây dị ứng, tăng cường hấp thụ oxy và làm ẩm không khí bạn hít vào. Nếu thở bằng miệng có thể làm khô miệng, làm tăng nguy cơ hôi miệng và viêm nướu. Do đó, thở bằng mũi là biện pháp hiệu quả ngăn ngừa chứng khô miệng, đặc biệt là khô miệng do thời tiết hanh khô.

Tuy nhiên, thời tiết hanh khô cũng có thể gây nên tình trạng khô miệng, khô mũi. Do đó, bạn có thể sử dụng máy tạo độ ẩm để bổ sung độ ẩm cho không khí, giúp giữ ẩm cho đường thở và miệng, làm giảm tình trạng khô miệng.

Vệ sinh răng miệng

Các vấn đề về răng miệng có thể gây tình trạng khô miệng, do đó, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đúng cách là biện pháp hiệu quả ngăn ngừa biểu hiện này.

Để giữ vệ sinh răng miệng, bạn nên đánh răng 2 lần/ngày và sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride vì fluoride giúp bảo vệ răng khỏi sâu răng và cũng có thể giúp giảm khô miệng.

Ngoài ra, không nên sử dụng nước súc miệng chứa cồn do có thể gây khô miệng.

photo-1701161467466

Giữ vệ sinh răng miệng giảm triệu chứng khô miệng.

Dùng thực phẩm hỗ trợ giảm khô miệng

- Sử dụng kẹo ngậm không đường: Ngậm kẹo không đường có thể giúp kích thích sản xuất nước bọt, từ đó làm giảm tình trạng khô miệng. Tuy nhiên, bạn cần tìm đúng loại kẹo được dán nhãn đặc biệt là không đường, tránh loại kẹo ghi trên bao bì không có đường nhưng vẫn có thể chứa đường.

- Nha đam: Nước ép nha đam dùng để súc miệng hoặc uống trực tiếp rất hiệu quả trong việc dưỡng ẩm cho miệng, giảm khô miệng, bảo vệ niêm mạc miệng.

- Gừng: Gừng giúp kích thích sản xuất nước bọt. Bạn có thể thử nhai gừng hoặc uống trà gừng mỗi ngày để cải thiện tình trạng khô miệng một cách tự nhiên.

- Ớt ngọt: Theo một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2017, ớt ngọt thúc đẩy tăng tiết nước bọt, giúp giảm khô miệng. Bạn có thể thêm ớt ngọt vào bữa tối hoặc ăn sống trong bữa ăn nhẹ vào giữa buổi chiều.

Bên cạnh các thực phẩm có tác dụng giảm khô miệng, bạn cần tránh các loại nước uống có chứa caffein như cà phê, trà, soda… do caffein là một chất lợi tiểu, có thể gây mất nước và khô miệng.

Khi khô miệng không được cải thiện với những biện pháp tại nhà và kèm theo các dấu hiệu nặng hơn như mũi khô, miệng rát, họng khô rát, nứt nẻ môi, hơi thở hôi, lưỡi khô, đỏ, giọng khàn… cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Theo suckhoedoisong.vn