Lượng đường trong máu tăng cao có thể do một số nguyên nhân, bao gồm bệnh tiểu đường, thiếu liều insulin hoặc dùng một số loại thuốc nhất định. Tăng đường huyết cũng có thể do ăn quá nhiều thức ăn hoặc thực phẩm không phù hợp, không dùng thuốc tiểu đường đúng cách, không vận động và căng thẳng.
Theo cô Lindsey Wohlford, chuyên gia dinh dưỡng, Trung tâm Ung thư MD Anderson, Đại học Texas (Mỹ), nhiều nghiên cứu cho thấy giấm táo có thể giúp hạ đường huyết.
Một số nghiên cứu đã phát hiện tiêu thụ giấm táo hằng ngày có thể giúp người mắc bệnh tiểu đường loại 2 giảm lượng đường huyết lúc đói và chỉ số đường huyết trung bình HbA1C.
Một phân tích tổng hợp năm 2021, được công bố trên tạp chí y sinh BMC Complementary Medicine and Therapies, cho thấy tiêu thụ giấm táo giúp giảm lượng đường huyết lúc đói khoảng 8 mg/dl ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Một nghiên cứu nhỏ, được công bố trên tạp chí nghiên cứu Frontiers in Clinical Diabetes and Healthcare năm 2023, cho thấy người bệnh tiểu đường uống 2 muỗng canh (khoảng 30 ml) giấm táo mỗi ngày trong 8 tuần và tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh đã có chỉ số HbA1C giảm từ 9,21% xuống 7,79%. Đồng thời, họ cũng giảm cả mức cholesterol xấu và cholesterol tổng nhiều hơn so với người chỉ tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh, theo Heart.org.
Một phân tích tổng hợp năm 2021 cũng cho thấy uống 1 muỗng canh (15 ml) giấm táo mỗi ngày trong hơn 8 tuần giúp giảm tổng lượng cholesterol, nhất là ở người bệnh tiểu đường.
Cách tốt nhất để tiêu thụ giấm táo
Chuyên gia Wohlford cho biết: Không có hại gì khi thêm một lượng nhỏ giấm táo vào chế độ ăn uống.
Chuyên trang y tế WebMD gợi ý: Để kiểm soát lượng đường trong máu và cholesterol, có thể pha 1,5 muỗng canh giấm táo vào 1 ly nước 240 ml, uống sau bữa ăn.
Cô Wohlford khuyên cần pha loãng với nước và sử dụng ống hút để giảm thiểu thiệt hại cho thực quản và men răng.
Tốt nhất là thêm vào nước sốt trộn salad để vừa ăn rau với đầy đủ chất xơ và chất dinh dưỡng cùng với giấm táo chứa men vi sinh, axit axetic diệt khuẩn, chất chống oxy hóa polyphenol và vitamin B. Nhưng để giảm cân, uống giấm táo sau bữa ăn sẽ tốt hơn.
Cần lưu ý: Người bị hạ kali máu hoặc bệnh thận nên thận trọng khi dùng giấm táo. Giấm cũng có thể tương tác với một số loại thuốc. Tốt nhất, nên hỏi bác sĩ trước khi sử dụng, theo WebMD.
Theo Thanh niên