1. Công dụng của kỷ tử
Câu kỷ tử còn gọi là kỷ tử, tên khác là khởi tử, câu kỷ quả, địa cốt tử... tên khoa học là Lycium sinense Mill., thuộc họ Cà.
Theo Đông y: Kỷ tử có tính bình, vị ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công dụng bổ gan thận, nhuận phế, tăng cường thị lực; thích hợp dùng trong các trường hợp suy nhược cơ thể, mệt mỏi, lưng gối đau mỏi, chóng mặt, ù tai, mắt nhìn mờ, di tinh...
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Kỷ tử có tác dụng hỗ trợ giảm lượng đường trong máu, tăng cường miễn dịch, xúc tiến quá trình tạo máu, hỗ trợ giảm mỡ máu, chống tích đọng mỡ ở tế bào gan, chống oxy hóa và kiềm chế quá trình lão suy.
Ngoài ra, kỷ tử còn có tác dụng kích thích sản xuất bạch cầu và phòng chống ung thư.
Vị thuốc kỷ tử là quả chín của cây kỷ tử.
2. Cách dùng kỷ tử trong phòng chữa bệnh
2.1 Cháo kỷ tử
Cháo kỷ tử ăn thường xuyên: Kỷ tử 25g, gạo tẻ 100g. Nấu cháo, chia ăn 1 - 2 lần/ngày.
Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị suy nhược cơ thể, ốm lâu ngày, tuổi cao sức khỏe yếu, kiềm chế lão suy, kéo dài tuổi thọ.
Cháo kỷ tử cật dê: Kỷ tử 200g, gạo tẻ 250g, cật dê 1 đôi. Cật dê rửa sạch, bỏ mảng gân, thái miếng, cho vào với kỷ tử và gạo tẻ, thêm nước vừa đủ, đun nhỏ lửa cho nhừ, chia ăn trong ngày.
Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh thận hư hoặc lưng đau gối mỏi do thoái hóa.
Cháo kỷ tử mướp đắng: Kỷ tử 200g, hạt mướp đắng 9g, thịt dê 100g. Kỷ tử và hạt mướp đắng sắc lấy nước bỏ bã, cho gạo, cật dê vào nấu cháo, nêm gia vị vừa đủ. Ăn vào 2 bữa sớm, tối.
Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị chứng âm hư hoả vượng (khô miệng, lòng bàn tay, bàn chân nóng, da tóc khô ráp, mất ngủ...)
Cháo kỷ tử, gạo lức: Kỷ tử 30g, gạo lứt 60g, táo tầu 10 quả. Nấu chung cả ba vị thành cháo, ăn vào 2 bữa sớm, tối.
Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị viêm thận mãn tính do can thận âm hư.
Trà kỷ tử cúc hoa sáng mắt, tăng cường thị lực.
2.2 Trà kỷ tử
Trà kỷ tử cúc hoa: Kỷ tử 10g, cúc hoa 10g. Hãm với nước sôi trong bình kín.
Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị suy giảm thị lực, quáng gà, hoa mắt.
Trà kỷ tử hạt muồng: Kỷ tử 6g, lá dâu tằm 3g, hạt muồng (quyết minh tử, sao thơm) 3g. Hãm nước sôi uống trong ngày.
Phòng ngừa và hỗ trợ mỡ máu cao, thừa cân béo phì, thị lực kém, lão hóa da.
Trà kỷ tử ngũ vị: Kỷ tử 6g, ngũ vị tử 6g. Hãm nước sôi trong bình kín. Có thể pha thêm ít đường phèn cho ngọt.
Phòng ngừa và hỗ trợ trị suy nhược cơ thể, tâm phiền, miệng khát, tự ra mồ hôi, buồn bực, ăn uống kém, nhũn chân, tiêu gầy. Tăng cường sức khoẻ cho cơ thể, kéo dài tuổi thọ.
2.3 Rượu kỷ tử
Rượu trắng kỷ tử: Kỷ tử 50g, rượu trắng 500ml. Ngâm 7-10 ngày là dùng được. Uống ngày 10 - 20ml, chia làm 2 - 3 lần.
Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị hoa mắt chóng mặt, lưng đau gối mỏi, liệt dương; Dưỡng huyết, bổ huyết.
Rượu kỷ tử sinh địa: Kỷ tử 250g, sinh địa 300g, rượu trắng 1500ml. Ngâm đủ 15 ngày đem uống. Mỗi lần uống 10 - 20ml, chia 2 lần vào bữa sớm, bữa tối.
Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị chứng phiền nhiệt đau đầu, mắt kém, yếu sinh lý, cơ thể đau nhức lúc nặng lúc nhẹ.
Theo suckhoedoisong.vn