Biểu hiện của bệnh hắc lào

Bệnh hắc lào xuất hiện nhiều nhất vào các thời điểm giao mùa như từ mùa đông sang mùa xuân; từ mùa xuân sang mùa hè. Lúc này thời tiết thường nồm ẩm, mưa phùn nhiều, nóng bức, nhiều mồ hôi… là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, nấm mốc và virus phát triển khiến bệnh hắc lào bùng phát.

Hắc lào thường xuất hiện ở cánh tay, mặt trong của đùi, bẹn, mông, kẽ ngón chân, da đầu… Khi mới bắt đầu sẽ xuất hiện triệu trứng ngứa, nổi mẩn đỏ, có mụn nước, vùng có nấm thường tròn như đồng tiền. Từ một đốm nhỏ bị hắc lào, bệnh có thể lan rộng, lây sang những khu vực khác trên cơ thể....

Do ngứa nhiều nên bệnh nhân không kiềm chế được mà gãi mạnh, gãi nhiều sẽ xước và vỡ mụn nước. Từ đó hình thành nên mụn nước phồng rộp và mụn mủ vàng ở vùng da bị hắc lào, thậm chí khiến thương tổn nhiễm khuẩn… Nếu không điều trị đúng cách và kịp thời hắc lào sẽ lan khắp cơ thể, để lâu những nốt hắc lào sẽ bị chàm hóa thành sẹo và lây cho người khác.

Cách dùng thuốc bôi điều trị hắc lào- Ảnh 1.

Đốm hắc lào thường tròn như đồng tiền.

Các thuốc bôi điều trị hắc lào

Hắc lào là bệnh ngoài da lành tính, mặc dù có thể tái phát nhưng khi điều trị đúng thì bệnh không khó chữa và không để lại biến chứng nghiêm trọng. Thông thường khi mới bắt đầu bị bệnh chỉ cần dùng thuốc bôi ngoài da. Trừ khi để bệnh tiến triển nặng hơn, tổn thương lan rộng diện tích rộng hơn 1 bàn tay, điều trị thuốc bôi không khỏi... mới cần phải dùng thuốc đường toàn thân.

Một số thuốc bôi điều trị hắc lào:

- Ketoconazole 2%

Ketoconazole 2% dạng bôi là thuốc điều trị bệnh da liễu có thành phần chính là hoạt chất ketoconazol, hàm lượng 2%. Đây là loại thuốc chống nấm phổ rộng chỉ định cho bệnh nhân mới bị hắc lào ở thể nhẹ, chưa lan rộng sang vùng da khác.

Thuốc thường được chỉ định bôi ngày 1-2 lần, trong thời gian từ 2-4 tuần. Trường hợp nặng hơn, có thể phải dùng thuốc đến 6 tuần. Bệnh nhân cần lưu ý dùng thuốc đúng thời gian theo chỉ định của bác sĩ, tránh dừng thuốc quá sớm khiến bệnh có thể bùng phát trở lại.

Trước khi bôi thuốc, cần vệ sinh vùng da bị bệnh sạch sẽ rồi thoa một lượng thuốc mỏng lên. Không bôi thuốc rộng ra vùng da lành. Giữ gìn vùng da điều trị luôn được sạch sẽ để tránh bệnh nặng hơn hoặc sau khi khỏi lại tái nhiễm.

- Thuốc miconazole

Là thuốc dùng theo đơn của bác sĩ, chỉ định cho các trường hợp hắc lào, chàm, nấm á sừng, tổ đỉa... Công dụng của miconazole là làm thay đổi cấu tạo màng nấm, từ đó phá hủy tác nhân gây bệnh. Ngoài kem bôi, thuốc còn được bào chế dưới dạng dung dịch, dạng xịt.

Cần bôi thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ và chỉ nên thoa một lượng mỏng thuốc lên vùng da bị bệnh, không bôi thuốc lan ra vùng da lành.

Sau một thời gian bôi thuốc nhưng bệnh không cải thiện, hoặc có xu hướng nghiêm trọng hơn, cần ngừng thuốc và thông báo cho bác sĩ biết để có hướng xử trí và thay thế bằng thuốc khác phù hợp hơn.

Trước khi bôi thuốc, cần vệ sinh để loại bỏ hết các bụi bẩn ở vùng da bị tổn thương bằng nước sạch, lau khô nhẹ nhàng. Không băng kín vùng da được bôi thuốc, vì sẽ khiến thuốc thấm vào băng gạc sẽ làm giảm hiệu quả điều trị. Hơn nữa vùng da tổn thương sẽ bị ẩm tạo nguy cơ cho nấm phát triển mạnh, bệnh khó khỏi hơn.

- Clotrimazol VCP

Với thành phần chính là clotrimazol, clotrimazol VCP là thuốc kháng nấm phổ rộng, có tác dụng làm thay đổi tính thấm trên màng tế bào vi nấm. Từ đó gây mất các chất thiết yếu nội bào dẫn đến hủy tế bào nấm.

Thuốc thường ít gây ra tác dụng phụ, có thể gặp ở một số ít trường hợp có những phản ứng tại chỗ như kích ứng, ngứa, đau rát. Nếu gặp phải tình trạng kích ứng thì cần ngừng thuốc và báo cho bác sĩ để được hướng dẫn xử lý và dùng thuốc phù hợp hơn.

Bôi nhẹ một lượng thuốc vừa đủ lên vùng da bị bệnh, 2 lần/ngày. Thời gian điều trị trung bình từ 1-4 tuần, có trường hợp phải dùng kéo dài 8 tuần. Đây là thuốc trị nấm được dùng dưới chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng.

Cách dùng thuốc bôi điều trị hắc lào- Ảnh 3.

Chỉ dùng một lượng thuốc vừa đủ lên vùng da bị bệnh.

Lưu ý khi dùng thuốc bôi điều trị hắc lào

Hầu hết các trường hợp hắc lào thường chỉ cần dùng thuốc bôi. Khi tổn thương da đã liền, hết ngứa nên bôi thuốc thêm 1 tuần để nấm được tiêu diệt sạch sẽ.

Mặc dù là thuốc bôi ngoài da, nhưng vẫn có các tác dụng phụ không mong muốn và chỉ định dùng thuốc khác nhau. Do đó chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân cần kiên trì điều trị theo liệu trình bác sĩ khuyến cáo. Không được tự ý đổi thuốc, đổi liều dùng hoặc ngừng thuốc đột ngột, trừ khi có dấu hiệu bất thường, cần ngừng thuốc và báo cho bác sĩ.

Ngoài ra, trong khi sử dụng cần lưu ý:

Không để thuốc vào mắt, miệng, các vùng niêm mạc.

- Để tránh bệnh lây lan và không tái nhiễm, cần lưu ý: Không tiếp xúc với dụng cụ có thể bị nhiễm nấm da như quần áo, khăn, ga giường, lược và bàn chải; không dùng chung đồ với người bị hắc lào; không mặc quần áo bó sát hoặc hạn chế cử động (cần mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm mồ hôi); giữ cho cơ thể luôn sạch sẽ, hạn chế đổ mồ hôi. Nếu có mồ hôi cần tắm sạch ngay khi có thể. Lau người thật khô sau khi tắm, không để da bị ẩm. Không tắm với xà phòng mà chỉ tắm với sữa tắm dịu nhẹ; thường xuyên giặt quần áo và khăn trải giường, chăn, gối, phơi ngoài trời nắng to. Nếu thời tiết không có nắng, cần sấy khô ở nhiệt độ cao.

- Điều trị tất cả các vùng da bị nhiễm nấm.

Theo suckhoedoisong.vn