Thuốc tránh thai khẩn cấp (TTKC) không phải là biện pháp tránh thai thường xuyên. Bạn không nên lạm dụng thuốc này để thay thế các biện pháp tránh thai hiệu quả khác như bao cao su, thuốc tránh thai hàng ngày, đặt vòng...

Hiện nay, thị trường có 3 loại thuốc tránh thai khẩn cấp:

Chỉ chứa thành phần là Levonorgestrel: Loại này cần uống càng sớm càng tốt trong vòng 72 giờ sau quan hệ và có 2 chế độ liều:

+ 1 viên duy nhất (1,5 mg)

+ 2 viên (mỗi viên 0,75 mg), uống cách nhau 12 giờ

Loại kết hợp (Ethylestradiol 100 µg + Levonorgestrel 0.5 mg): Sử dụng 2 viên, dùng cách nhau 12 giờ.

Loại chứa Ulipristal/ Mifepristone liều thấp: Cần dùng sớm trong 120 giờ sau quan hệ.

Lưu ý khi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp

Bạn chỉ nên sử dụng thuốc TTKC trong những trường hợp bất khả kháng. Phương pháp này có hiệu quả tránh thai không cao bằng các biện pháp khác và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Để đảm bảo hiệu quả tránh thai, bạn cần tham khảo ý kiến người có chuyên môn về các loại thuốc đã và đang sử dụng nhằm lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất và tránh tương tác.

Bạn cần uống thuốc càng sớm càng tốt sau khi quan hệ. Nếu tiếp tục phát sinh quan hệ sau khi uống thuốc 72-120 giờ, bạn cần có biện pháp tránh thai khác (dùng bao cao su). Trong trường hợp bất khả kháng, bạn vẫn có thể sử dụng tiếp thuốc TTKC (cần dùng cùng loại trước đó đã sử dụng).

leftcenterrightdel
Bạn chỉ nên sử dụng thuốc TTKC trong những trường hợp bất khả kháng. Ảnh: Daily Mail 

Sau khi uống thuốc, nếu có hiện tượng nôn trong vòng 3 giờ, người dùng cần ngay lập tức bổ sung một viên thuốc khác.

Nếu cân nặng trên 70 kg hoặc BMI trên 26 kg/m2, bạn có thể cần phải dùng liều gấp đôi loại levonorgestrel (3 mg). Ở người thừa cân béo phì, việc tăng liều loại Ulipristal/Mifepristone không cải thiện hiệu quả.

Nếu có bệnh hen suyễn nặng và đang sử dụng thuốc để kiểm soát hen, bạn nên tránh sử dụng loại Ulipristal/Mifepristone.

Bạn nên bắt đầu các biện pháp tránh thai hàng ngày (sử dụng bao cao su hoặc viên tránh thai) càng sớm càng tốt. Nếu dùng viên TTKC chỉ chứa Levonorgestrel, bạn có thể dùng thuốc tránh thai hàng ngày ngay sau đó.

Trường hợp dùng viên TTKC chứa Ulipristal (UPA) hoặc Mifepristone, các thuốc tránh thai hàng ngày được khuyên sử dụng 5 ngày sau đó để tránh tương tác thuốc.

Nếu đang cho con bú và đã sử dụng loại Ulipristal/Mifepristonebạn nên ngưng cho bé bú khoảng một tuần sau khi uống thuốc. Phụ nữ cho con bú được khuyên nên sử dụng thuốc tránh thai loại chỉ chứa Levornogestrel.

Nếu đã sử dụng thuốc TTKC trước đó trong cùng một chu kỳ, trường hợp tiếp tục xảy ra quan hệ mà không có biện pháp bảo vệ, bạn nên dùng cùng loại thuốc trước đó từng dùng.

Sau khi sử dụng thuốc bị chậm kinh hơn 7 ngày so với chu kỳ bình thường, bạn nên dùng que thử thai hoặc đến bác sĩ kiểm tra.

Thuốc tránh thai khẩn cấp có ảnh hưởng xấu đến cơ thể?

Trường hợp sau khi uống thuốc TTKC 4-5 ngày trước đó và xảy ra quan hệ nhưng không có biện pháp an toàn, bạn vẫn có thể tiếp tục sử dụng thuốc TTKC. Điều này sẽ bảo vệ bạn khỏi nguy cơ mang thai ngoài ý muốn và không làm hại đến sức khỏe sinh sản.

Chúng ta không có giới hạn về số lần sử dụng thuốc TTKC. Tuy nhiên, bạn không dùng quá một lần mỗi 24 giờ.

Điều quan trọng cần lưu ý là 2 loại Ulipristal/Mifepristone và Levornogestrel làm ảnh hưởng hiệu quả lẫn nhau. Do đó, trong cùng một chu kỳ, nếu phải sử dụng thuốc TTKC nhiều lần, bạn chỉ được sử dụng cùng loại.

Về cơ bản, các thuốc tránh thai khẩn cấp không gây ra tác dụng phụ lâu dài và nghiêm trọng. Việc sử dụng thuốc TTKC không làm ảnh hưởng đến khả năng mang thai sau này của bạn.

leftcenterrightdel
Chúng ta không có giới hạn về số lần sử dụng thuốc TTKC. Tuy nhiên, bạn không dùng quá một lần mỗi 24 giờ. Ảnh: The Sun 

Loại thuốc này không được khuyến khích sử dụng thường xuyên vì hiệu quả tránh thai thấp hơn biện pháp khác. Trong quá trình sử dụng thuốc, bạn có thể cần lưu ý đến một số tác dụng không mong muốn sau:

Nguy cơ tắc mạch: Các thuốc tránh thai khẩn cấp dạng phối hợp chứa ethylestradiol liều cao có nguy cơ gây ra tình trạng huyết khối, dù thuốc được sử dụng trong thời gian ngắn. Do đó, khi sử dụng thuốc tránh thai dạng phối hợp, bạn cần được đánh giá nguy cơ biến chứng thuyên tắc thông qua khai thác chi tiết bệnh sử và tiền sử.

Rối loạn kinh nguyệt: Các thuốc tránh thai tác động đến quá trình phóng noãn nên có thể gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt.

Xuất huyết tử cung: Thuốc tránh thai chứa Levonorgestrel và Mifepristone tác động lên nội mạc tử cung. Do đó, chúng có thể gây ra tình trạng xuất huyết tử cung bất thường. Đây là tình trạng thường gặp khi sử dụng các thuốc tránh thai khẩn cấp. Do đó, bạn không cần quá lo lắng nếu gặp phải.

Tuy nhiên, người dùng cũng cần lưu ý rằng, khả năng tránh thai không phải là tuyệt đối. Những trường hợp xuất huyết muộn sau khi dùng thuốc có thể cảnh báo nguy cơ mang thai ngoài tử cung.

Buồn nôn và nôn: Đây là triệu chứng thường gặp khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, đặc biệt dạng kết hợp giữa ertrogen và progestin. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc chống nôn để dự phòng không được khuyến cáo với mọi người, chúng còn phụ thuộc vào tình trạng hiện có và đánh giá lâm sàng. Nếu nôn mửa xảy ra trong vòng 3 giờ sau khi sử dụng thuốc, bạn nên dùng một liều thuốc khác càng sớm càng tốt.

Các triệu chứng khác như căng tức ngực, nhức đầu, chóng mặt và mệt mỏi thường không phổ biến. Nếu có, chúng sẽ không kéo dài quá 24 giờ. Sử dụng viên nén Paracetamol hoặc Ibuprofen được khuyến cáo để giảm tình trạng đau đầu và ngực.

Thuốc tránh thai khẩn cấp là biện pháp an toàn, hiệu quả để dự phòng mang thai trong các trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, phụ nữ không nên lạm dụng phương pháp này mà cần có biện pháp tránh thai hàng ngày phù hợp để đảm bảo đạt hiệu quả tốt nhất.

Theo Zing